1. Giới thiệu

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học và công nghệ, với những đột phá về kỹ thuật - công nghệ mới. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhiều loại hình kinh tế mới và phương thức sản xuất kinh doanh mới, trong đó có mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo quan điểm hiện đại, kinh tế chia sẻ (KTCS) chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ khi cuộc CMCN 4.0 bùng nổ với việc ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ số; kinh tế chia sẻ được coi là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số hiện nay. Với sự can thiệp của công nghệ đã biến kinh tế chia sẻ trở thành một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số. Như vậy, bằng công nghệ và thông qua công nghệ, mô hình kinh tế chia sẻ trở nên rộng lớn hơn, vượt ra ngoài không gian lãnh thổ quốc gia, xoá mờ ranh giới địa lý và các quan niệm truyền thống trước đây về mô hình kinh tế này.

Để thúc đẩy phát triển mô hình KTCS trong du lịch, việc nghiên cứu, ứng dụng những nền tảng công nghệ số là vô cùng cần thiết. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra và thay đổi công nghệ kỹ thuật số từ những thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới, với các công nghệ cốt lõi như: thực tại ảo và thực tại tăng cường (VR, AR), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ dữ liệu lớn (Big data), công nghệ điện toán đám mây (Cloud computing), công nghệ in 3D, công nghệ mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G), các công nghệ cảm biến và định vị,Những công nghệ này đã góp phần quan trong trong việc tạo ra, vận hành và phát triển các nền tảng chia sẻ của mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch nói riêng, tăng tính “thông minh” của các nền tảng chia sẻ và tạo thuận lợi cho người dùng.

Công nghệ số và Kinh tế chia sẻ trong du lịch

 2. Một số nền tảng công nghệ có khả năng ứng dụng cho mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch

a) Công nghệ thực tại ảo và thực tại tăng cường

- Mô tả công nghệ: Thực tại ảo (Virtual Reality - VR) và thực tại tăng cường (Augmented Reality - AR) là hai công nghệ có tiềm năng ứng dụng rất cao trong lĩnh vực giải trí, kinh tế, thương mại điện tử, khoa học, giáo dục, du lịch,… AR sử dụng một số công cụ hỗ trợ như kính đeo hay điện thoại thông minh để giúp người sử dụng nhìn và tương tác với thế giới xung quanh theo cách khác biệt. Một hệ thống thực tại tăng cường có thể tạo ra trong khung hình của người xem một hình ảnh kết hợp của thế giới thực với một hình ảnh tạo ra bởi máy tính. VR cũng yêu cầu sử dụng các công cụ hỗ trợ riêng (như kính thực tại ảo) để giúp người xem tương tác được với thế giới ảo do máy tính tạo ra dưới dạng thức không gian 3 chiều (3D).

- Khả năng ứng dụng: Hiện tại, VR, AR chưa được ứng dụng nhiều trong mô hình KTCS trong du lịch. Tuy nhiên, trong tương lai, đây là khía cạnh có tiềm năng rất lớn. VR, AR hoàn toàn có thể áp dụng cho mô hình KTCS trong du lịch và có khả năng mang lại hiệu quả cao nhờ khả năng tương tác giữa bên cung cấp dịch vụ (doanh nghiệp du lịch) với bên cầu (khách du lịch) được gia tăng.

Đối với lĩnh vực lưu trú: Khách du lịch có thể được xem trước cơ sở lưu trú cả về không gian toàn cảnh và từng buồng lưu trú với từng góc cạnh chi tiết. Với VR, AR, những gì khách du lịch được trải nghiệm trước là hoàn toàn sinh động hơn, thực hơn so với những ảnh chụp được đăng tải trên các nền tảng chia sẻ thông thường như hiện nay. Điều này sẽ kích thích thị hiếu, thúc đẩy khách du lịch ra quyết định lựa chọn đặt phòng trên các nền tảng chia sẻ.

Đối với lĩnh vực lữ hành: Tuy không phải tất cả, nhưng một số tour du lịch đặc biệt được các đại lý lữ hành đăng tải trên các nền tảng chia sẻ sẽ thu hút được sự quan tâm, chú ý nhiều hơn của khách du lịch nếu ứng dụng VR, AR để mô phỏng sơ lược các tour này. Ví dụ, tour du lịch khám phá hang động, khám phá đáy đại dương, khám phá rừng nguyên sinh hay một số tour du lịch mạo hiểm…

Đối với các dịch vụ khác: vận chuyển khách du lịch, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, mua sắm, ẩm thực,… cũng đều có khả năng ứng dụng VR, AR để tăng tính hiệu quả trong kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ.

b) Công nghệ trí tuệ nhân tạo

- Mô tả công nghệ: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là lĩnh vực công nghệ có mục tiêu biến máy tính thành công cụ có thể thực hiện các tác vụ mà thông thường cần đến trí tuệ con người để giải quyết. Các ví dụ thường gặp của trí tuệ nhân tạo là giúp máy tính “học tập”, ra quyết định, nhận dạng hình ảnh, hiểu nội dung âm thanh, v.v.. AI đã khẳng định được vị thế của mình trong xu hướng của thị trường kỹ thuật số, và lĩnh vực du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Các công cụ ứng dụng AI sẽ gợi ý cho doanh nghiệp biết được nhóm khách hàng tiềm năng của họ quan tâm tới điều gì để phục vụ chu đáo hơn, đưa ra sản phẩm và báo giá linh hoạt hơn. Ở chiều ngược lại, công nghệ AI sẽ đưa ra những đề xuất giúp khách du lịch dễ dàng lựa chọn các địa điểm tham quan, các nhà hàng, các hoạt động giải trí, điểm mua sắm, phương tiện di chuyển phù hợp,...

- Khả năng ứng dụng: Hiện AI đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Hầu hết các nền tảng chia sẻ nói chung, nền tảng chia sẻ trong lĩnh vực du lịch nói riêng đều nghiên cứu và tăng cường ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa ứng dụng của mình. Ví dụ, đối với các nền tảng chia sẻ như Airbnb, Agoda, Traveloka, TripAdvisor, Tripi, iVIVU, Vntrip, Mytour,… dựa trên các từ khóa tìm kiếm của khách, tần suất tìm kiếm, hệ thống sẽ tự lưu lại thông tin, tiến hành phân tích sở thích, thị hiếu của khách đối với loại phòng, giá phòng, vị trí ưa thích, ưu đãi,… để đưa ra những đề xuất gần nhất cho khách ở những lần truy cập tiếp theo. Qua đó, khách hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin mình cần trong thời gian ngắn nhất.

c) Công nghệ kết nối vạn vật

- Mô tả công nghệ: Công nghệ kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT) hiểu đơn giản là công nghệ kết nối bất kỳ thứ gì (things) với internet. Tuy nhiên thuật ngữ này thường được sử dụng để chỉ việc kết nối và điều khiển các thiết bị vật lý, các thiết bị gia dụng, thiết bị cá nhân qua môi trường internet. Lĩnh vực du lịch có ưu thế đặc biệt thuận lợi để khai thác IoT. Một trong những ứng dụng rộng rãi nhất của công nghệ IoT trong ngành du lịch là cho phép mức độ cá nhân hóa cao hơn trong các khách sạn. IoT cho phép khách du lịch có thể kiểm soát nhiều thiết bị trong phòng lưu trú thông qua một thiết bị tập trung (máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh), có thể bật, tắt, điều chỉnh hệ thống sưởi, điều hòa nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh, truyền hình, điện thoại bàn… mà không cần quá nhiều thiết bị, nhiều thao tác. Thậm chí, IoT có thể tạo ra cảm biến tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, tự động mở/đóng cửa phòng khi khách du lịch đến hoặc rời phòng lưu trú. Công nghệ này cũng được áp dụng tương tự trên các chuyến bay, xe du lịch, tàu thủy du lịch, phòng trưng bày, bảo tàng, kiểm soát an ninh,…

- Khả năng ứng dụng: IoT hiện đang được nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ trong kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình KTCS trong du lịch nói riêng. IoT thường không tách rời mà kết hợp với các công nghệ khác để tạo ra các tiện ích và tăng cường tính “thông minh” của các nền tảng công nghệ chia sẻ trực tuyến. Đặc biệt, IoT có vai trò quan trọng việc thu thập, phân tích dữ liệu và hình thành dữ liệu lớn (big data) phục vụ cho các hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch theo mô hình này.

 d) Công nghệ Blockchain

- Mô tả công nghệ: Blockchain là một danh sách các hồ sơ công khai nơi các giao dịch giữa các bên được liệt kê hoặc lưu trữ. Mỗi bản ghi, được gọi là khối trong thuật ngữ blockchain, được bảo mật bằng mật mã. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của công nghệ Blockchain là dữ liệu lưu trữ phi tập trung, trong đó thông tin được chia sẻ qua mạng ngang hàng. Mỗi khối chứa thông tin giao dịch và một dấu thời gian (time stamp). Các khối cũng không thể thay đổi nếu không có sự đồng thuận từ toàn bộ mạng lưới. Sự thay đổi của một khối sẽ dẫn đến thay đổi tất cả các khối tiếp theo. Tính chất phi tập trung, vĩnh viễn, được đóng dấu thời gian và không thể thay đổi của dữ liệu được ghi lại trong chuỗi khối có nghĩa là dữ liệu an toàn hơn, có thể truy nguyên và minh bạch hơn. Bản thân dữ liệu có khả năng chống lại việc sửa đổi và giả mạo không mong muốn.

- Khả năng ứng dụng: Blockchain có tiềm năng ứng dụng rất lớn và thực tế cũng đang được triển khai rộng rãi cho KTCS nói chung và mô hình KTCS trong du lịch nói riêng. Nhờ có công nghệ Blockchain, quá trình lưu trữ, truyền thông tin và bảo mật thông tin được đảm bảo an toàn. Các giao dịch tài chính trực tuyến cũng là một phần quan trọng của mô hình KTCS trong du lịch. Công nghệ Blockchain có khả năng đơn giản hóa các hoạt động giao dịch và đảm bảo an toàn cho các khoản thanh toán trực tuyến. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi thực hiện các giao dịch xuyên biên giới (đối với các công ty kinh doanh nền tảng công nghệ có trụ sở đặt ở nước ngoài). Blockchain cũng tạo ra các kênh thanh toán bằng tiền ảo (tiền điện tử), tạo thuận tiện trong các giao dịch, thanh toán điện tử.

e) Công nghệ dữ liệu lớn

- Mô tả công nghệ: Dữ liệu lớn (big data) là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ các tập dữ liệu lớn, quá lớn để được xử lý bằng các phương pháp xử lý cơ sở dữ liệu truyền thống. Loại dữ liệu này có thể thu thập từ nhiều nguồn, và thường được liên kết với quan điểm, thói quen và hành vi của khách hàng. Do lượng dữ liệu khổng lồ, dữ liệu lớn đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng ở cả cấp độ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính phủ, phi chính phủ phục vụ mục đích quản lý và kinh doanh.

- Khả năng ứng dụng: Khả năng ứng dụng của big data nằm ở chính bản chất của loại công nghệ này thu thập và phân tích dữ liệu nhằm đưa ra quyết định phù hợp. Trong mô hình kinh tế chia sẻ, dữ liệu lớn càng có nhiều điều kiện phát triển và ứng dụng. Đặc biệt, các công ty kinh doanh nền tảng công nghệ trực tuyến phải thu thập, tiếp cận, khai thác và sử dụng dữ liệu lớn để phân tích thị trường, phân tích hành vi, thói quen, sở thích, thị hiếu của khách du lịch để đưa ra chiến lược quảng bá, xúc tiến chính xác nhất, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

g) Công nghệ điện toán đám mây

- Mô tả công nghệ: Điện toán đám mây (cloud computing) còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng internet. Thuật ngữ “đám mây” ở đây là lối nói ẩn dụ chỉ mạng internet và sự liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa trong nó. Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các “dịch vụ”, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó “trong đám mây” mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ đó, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó. Điện toán đám mây cung cấp khả năng tính toán và lưu trữ thông tin.

- Khả năng ứng dụng: Công nghệ điện toán đám mây đã trở thành một phần quan trọng trong nền KTCS nói chung và mô hình KTCS trong du lịch nói riêng. Điện toán đám mây tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ; cung cấp sự hỗ trợ linh hoạt và đáng tin cậy nhất cho sự phát triển và mở rộng của các thành phần trong hệ thống, đồng thời, cho phép các công ty công nghệ kinh doanh nền tảng có thể lưu trữ, quản lý các tập dữ liệu lớn trong một môi trường ảo (đám mây) mà không cần hệ thống máy tính hoặc thiết bị lưu trữ như trước đây.

3. Một số giải pháp và khuyến nghị chính sách

- Thứ nhất: Nhà nước cần có chính sách, cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng công nghệ số với mô hình KTCS trong du lịch, tăng tính hiện đại, tính ưu việt của các nền tảng công nghệ chia sẻ trực tuyến.

- Thứ hai: Ngành du lịch cần tích cực ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; đảm bảo kịp thời cung cấp các dữ liệu chính xác của ngành du lịch phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng cho mục đích kinh doanh của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia mô hình KTCS trong du lịch.

- Thứ ba: Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong nước tăng cường ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại hoá nền tảng chia sẻ và các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng chia sẻ.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch: ứng dụng VR, AR để tạo ra các sản phẩm quảng bá dưới dạng thức 3D, tạo sự sinh động, thu hút sự quan tâm, chú ý và kích thích thị hiếu của người dùng.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ: ứng dụng AI, VR, AR và các công nghệ khác để tạo ra các website 3D, các ứng dụng, tiện ích thông minh có khả năng xem ở chế độ 3D để tăng cường trải nghiệm cũng như kích thích thị hiếu của người dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ được đăng tải, chia sẻ, quảng bá.

- Thứ tư: Quan tâm nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng công nghệ số để tăng cường tính bảo mật, an toàn thông tin và an toàn trong các giao dịch thanh toán trực tuyến của mô hình KTCS trong du lịch; hạn chế tối đa những rủi ro rò rỉ thông tin và lừa đảo qua mạng của tội phạm công nghệ cao.

- Thứ năm: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch có trình độ công nghệ, có khả năng đáp ứng được công việc theo mô hình KTCS trong du lịch. Có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ theo mô hình KTCS cho cộng đồng tham gia làm du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đào tạo tại chỗ cho người lao động những kỹ thuật, công nghệ có liên quan đến mô hình KTCS.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]          Ban Kinh tế Trung ương (2017), Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

[2]          Chu Thị Hoa (2019), Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số vấn đề pháp lý, Báo cáo Đề án mô hình kinh tế chia sẻ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[3]          Trần Minh Phương (2020), “Kinh tế chia sẻ và những tác động đến du lịch tại Việt Nam”, Tạp chí Công thương, số tháng 6/2020.

[4]          Brkljac, M. and & Sudarevic, T. (2018), Sharing Economy and Industry 4.0 as the Business Environment of millennial generation - a Marketing Perspective, Published by DAAAM International, ISBN 978-3-902734-20-4, ISSN 1726-9679, Vienna, Austria.

[5]          Sundararajan, Arun (2016), The Sharing Economy: The End of Employment and the Rise of Crowd-Based Capitalism. MIT Press. p. 116.

TS. Lê Quang Đăng

(0987860183 - dangquangleorv@gmail.com)

Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch 

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

(Bài đã đăng trên Tạp chí Du lịch, số tháng 12/2021)

 

 Du lịch trải nghiệm thiên nhiên và khám phá thế giới động vật hoang dã ngày càng phát triển và trở thành xu hướng du lịch phổ biến trên thế giới. Loại hình du lịch này đã và đang có những đóng góp to lớn đối phát triển du lịch ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có 34 Vườn quốc gia (VQG) và 172 Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), trong đó, có 61 VQG, KBTTN đang khai thác các hoạt động du lịch. Số lượng khách tham quan đến các VQG, KBTTN ở Việt Nam năm 2019 đạt 2,5 triệu lượt khách, đem lại doanh thu hơn 185 tỷ đồng.

Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động vật hoang dã là các hoạt động du lịch có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thế giới tự nhiên và động vật hoang dã, vừa đảm bảo phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của các loài động vật hoang dã cũng như nỗ lực của các bên tham gia trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.

 
Du lịch gắn với Voi tại Buôn Đôn - Đắk Lắk


Tổng số lượt xem trang