Kinh tế ban đêm (KTBĐ) và phát triển dịch vụ đêm (DVĐ) phục vụ khách du lịch đã và đang được được quan tâm phát triển tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, KTBĐ và DVĐ phục vụ khách du lịch cũng tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và khung khổ pháp lý phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế này trong thời gian tới.

Một góc phố đi bộ Bùi Viện - TP. Hồ Chí Minh về đêm (nguồn ảnh: Tác giả)

1. Kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch

Khái niệm nền kinh tế ban đêm (Night-time economy) hay ý tưởng về thành phố hoạt động 24 giờ đã được hình thành từ cuối những năm 1970, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Vào những năm 1990, một số thành phố lớn ở Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha đã không coi ban đêm là không gian tiêu cực (tiêu thụ quá mức đồ uống có cồn, tội phạm, bạo lực đường phố) mà bắt đầu ước tính giá trị của hoạt động kinh tế ban đêm. Phần lớn các quốc gia đều có chung quan điểm coi KTBĐ không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế mà là những hoạt động kinh tế diễn ra buổi tối và ban đêm, trong khung giờ từ 06 giờ tối hôm trước đến 06h sáng hôm sau.

Ngày nay, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ mở rộng giờ hoạt động của mình vào buổi tối, KTBĐ đã thu hút được nhiều đối tượng tham gia hơn với nhiều độ tuổi khác nhau, không chỉ có giới trẻ và người dân bản địa mà còn bao gồm phần lớn khách du lịch. KTBĐ đặt biệt phát triển tại các thành phố lớn, trung tâm du lịch lớn, ở các quốc gia có nền công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển như Anh, Pháp, Italia, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.

KTBĐ mang lại lợi ích tích cực cho các quốc gia, đặc biệt là thúc đẩy tiêu dùng, tăng doanh thu cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo tính toán, đến cuối năm 2020, quy mô thị trường KTBĐ tại Trung Quốc ước đạt 2.400 tỷ USD, chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ mua sắm, giải trí, nội dung số. Loại hình kinh tế này đã tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm tại Vương quốc Anh; 1,1 triệu việc làm tại Australia; 3,5 triệu việc làm tại Pháp; 300.000 việc làm tại New York (Hoa Kỳ). Theo báo cáo của Tổ chức London First và E&Y (2018), cơ cấu việc làm trong nền kinh tế 24 giờ tại London tương đối phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, phong phú và đa dạng. Cụ thể, không chỉ riêng công việc phục vụ nhà hàng, quầy bar mà nhiều công việc khác cũng cho thấy mức tăng trưởng nhanh về nhu cầu lao động như: kỹ sư, nhân viên bảo vệ, y tá, lao động dọn vệ sinh, tài xế taxi, chuyên gia hỗ trợ công nghệ - thông tin, nghệ sỹ biểu diễn,...

Phát triển DVĐ phục vụ khách du lịch là một bộ phận cấu thành của KTBĐ, trong đó, các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra chủ yếu nhắm đến đối tượng là khách du lịch. Có thể thấy rõ, DVĐ phục vụ khách du lịch có liên hệ mật thiết với KTBĐ, phát triển đa dạng DVĐ phục vụ khách du lịch sẽ góp phần tích cực thúc đẩy KTBĐ và ngược lại, muốn thúc đẩy KTBĐ thì phải phát triển đa dạng DVĐ phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, về căn bản không phân biệt rõ ranh giới giữa DVĐ phục vụ khách du lịch hay phục vụ cộng đồng (người dân bản địa). Các DVĐ khá đa dạng, bao gồm một số dịch vụ chính như: Ăn uống (ẩm thực đường phố, ẩm thực bản địa, cà phê, bar-pub,...); Vui chơi, giải trí (xem phim, vũ trường, karaoke, biểu diễn nghệ thuật đường phố, văn nghệ quần chúng, nhạc hội, chơi các trò chơi, casino,...); Mua sắm (chợ đêm); Di chuyển (đi lại); Ngủ nghỉ (lưu trú);...

KTBĐ và DVĐ phục vụ khách du lịch đóng góp không nhỏ đối với phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt tích cực, các hoạt động về đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo và các loại tội phạm khác. Chính vì thế, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy KTBĐ và DVĐ phục vụ khách du lịch phù hợp với xu thế phát triển chung và đặt trong sự quản lý, kiểm soát có hiệu quả.

Chợ Đêm Sơn Trà - Đà Nẵng (nguồn ảnh: tác giả)

2. Chính sách và khung pháp lý đối với phát triển DVĐ phục vụ khách du lịch ở Việt Nam

Tại Việt Nam, các chính sách, cơ chế và khung pháp lý tổng thể, mang tính dài hạn về phát triển KTBĐ và DVĐ phục vụ khách du lịch được lồng ghép trong các chính sách, quy định pháp luật về du lịch và liên quan, cụ thể:

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định quan điểm: Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

- Luật Du lịch năm 2017 cùng với Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch cũng đã thể hiện rõ chính sách của Nhà nước là khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới và sản phẩm đặc thù khác (Điều 5 Luật Du lịch 2017); “Tổ chức, cá nhân có quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và phù hợp với quy định của pháp luật. Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo đối với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu của thị trường” (Điều 18).

- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó xác định: “Hoàn thiện các quy định để quản lý và phát triển các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực du lịch phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế”; “Phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch MICE, du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm”.

- Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” nêu quan điểm: “Trước mắt, phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau”.

- Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khu vực dịch vụ Việt Nam 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tuy không trực tiếp đề cập đến phát triển DVĐ phục vụ khách du lịch nhưng cũng đã đề xuất định hướng: “Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của từng vùng, địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.

- Quyết định số 2992/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm: “xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch: kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm, kinh tế tuần hoàn...”, “phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm tại các đô thị, trung tâm du lịch, các khu du lịch, điểm du lịch đông khách du lịch”.

- Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, có quy định về “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau” (Điều 6).

- Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có một số ngành nghề liên quan đến DVĐ phục vụ khách du lịch như: casino, trò chơi điện tử, karaoke, vũ trường, kinh doanh lưu trú.

- Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh casino; Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài; Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Ngoài ra, các quy định về bảo vệ môi trường, giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ,... cũng được quy định tại các Luật và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác như: Luật bảo vệ môi trường; Luật Quy hoạch; Luật Quy hoạch đô thị; Luật giao thông đường bộ; Luật xây dựng; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật phòng, chống ma tuý; Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính,...

Phố cổ Hội An về đêm (nguồn ảnh: tác giả)
 Những vấn đề đặt ra

- Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích: Mặc dù Việt Nam có chủ trương về phát triển KTBĐ và DVĐ phục vụ khách du lịch, nhưng thực tế chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi hay chính sách cụ thể nào nhằm tạo điều kiện hay khuyến khích thu hút đầu tư, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh phát triển DVĐ phục vụ khách du lịch, ít nhất là trong giai đoạn đầu, từ thủ tục đầu tư, kinh doanh cho đến những chính sách đặc thù.

- Vai trò và tầm vóc của DVĐ chưa được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển du lịch: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 mới chỉ đề cập đến “giải trí về đêm”, chưa có định hướng cụ thể nào cho loại hình này.

- Thiếu hướng dẫn cụ thể đối với địa phương:  Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế ban đêm” của Thủ tướng Chính phủ  là văn bản rõ ràng nhất đối với định hướng về phát triển KTBĐ và DVĐ phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, Quyết định mang tính bao phủ tầm vĩ mô, chưa thể trực tiếp áp dụng cho các địa phương với những đặc điểm khác nhau về điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm tài nguyên, hiện trạng du lịch và những điều kiện cụ thể khác.

- Chính sách, khung khổ pháp lý về phát triển KTBĐ và DVĐ phục vụ khách du lịch chưa thống nhất và đồng bộ: Trong giai đoạn đầu phát triển khó tránh khỏi sự chồng chéo và thiếu thống nhất, đồng bộ trong chủ trương, chính sách và các quy định, đặc biệt là các quy định về thời gian kinh doanh, điều kiện kinh doanh, loại hình dịch vụ, tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ.

- Quy định xử phạt hành chính, một số còn thiếu tính răn đe: Hiện nhiều quy định xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; an toàn thực phẩm;... chỉ mang tính cảnh cáo chứ chưa có tính răn đe. Trong thời gian tới khi các hoạt động KTBĐ và DVĐ phục vụ khách du lịch ngày càng phát triển và mở rộng thì bên cạnh việc khuyến khích hoạt động, dịch vụ đêm an toàn, lành mạnh cũng cần phải có một khung khổ pháp lý đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và khung pháp lý phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch ở Việt Nam

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định quản lý, kinh doanh DVĐ phục vụ khách du lịch. Trong đó, quy định cụ thể các loại hình kinh doanh và những dịch vụ được ưu tiên, khuyến khích kinh doanh về đêm phục vụ khách du lịch; quy định điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ được phép kinh doanh; quy định khung giờ hoạt động của từng loại hình kinh doanh.

- Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện cần thiết cho phép phát triển kinh tế ban đêm tại các đô thị, thành phố. Khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định phải phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch.

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý kinh tế ban đêm, áp dụng thử nghiệm tại một số thành phố lớn trước khi nhân rộng cả nước; thành lập Ban quản lý hay Hội đồng điều hành kinh tế ban đêm tại địa phương theo hướng tách biệt hoặc kiêm nhiệm với các chức vụ quản lý chính quyền, tùy thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.

- Cần có cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cộng đồng phát triển đa dạng sản phẩm, DVĐ phục vụ khách du lịch; chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo, độc đáo, đặc trưng theo vùng, miền, địa phương; khuyến khích phát triển các loại hình nghệ thuật đường phố, trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc mang bản sắc địa phương; tái hiện các trò chơi, trò diễn dân gian; giới thiệu văn hóa ẩm thực và đặc sản địa phương.

- Các địa phương tùy vào điều kiện thực tế, căn cứ quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phát triển DVĐ phục vụ khách du lịch phù hợp tại địa phương; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù đối với một số loại hình kinh doanh dịch vụ về đêm mang lại giá trị gia tăng cao như casino, vũ trường, bar,...; chủ động và linh hoạt trong việc điều chỉnh khung giờ mở cửa của một số điểm thăm quan, di tích, bảo tàng, trung tâm triển lãm phục vụ khác du lịch về đêm; khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ thu hút đông khác du lịch như đại nhạc hội, biểu diễn laser, nhạc nước, các chương trình văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế ban đêm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm lợi dụng hoạt động kinh tế ban đêm. Có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]   Bianchini (1995), Night Cultures, Night Economies”, Planning Practice & Research, 10(2), 121-126.

[2]   London First & EY (2018), London’s 24 hour economy: The economic value of London’s 24 hour economy.

[3]   Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam, số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020.

Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020.

 TS. Lê Quang Đăng, TS. Trần Phương Mai

(dangquangleorv@gmail.com)

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch 

 

Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng đang có sự phát triển nhanh chóng. Vị trí, vai trò và những tác động tích cực mà mô hình kinh tế mới này tạo ra cho ngành du lịch là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Bài viết này luận giải một số vấn đề liên quan đến các quan hệ kinh tế của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch như: quan hệ sở hữu, phân phối, cung - cầu, lao động việc làm,... qua đó, đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy các quan hệ kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch.

Tác giả và nhóm nghiên cứu khảo sát tại Cần Thơ Ecolodge về hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ

1. Đặt vấn đề

Kinh tế chia sẻ (sharing economy, viết tắt tiếng Việt: KTCS) xuất hiện trên thế giới khoảng hơn một thập niên trở lại đây, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới và trong nước về vấn đề này. Tuy không phải là vấn đề quá mới mẻ nhưng KTCS và mô hình KTCS trong du lịch tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra, cả trong nhận thức và hành động, lý luận và thực tiễn, mô hình và thực tế. Một trong những vấn đề cần làm sáng tỏ là các quan hệ kinh tế căn bản của mô hình kinh doanh mới này.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó khẳng định quan điểm: “Ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế”.

Như vậy, theo quan điểm của Chính phủ, kinh tế chia sẻ “không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế”, không phải là một phương thức sản xuất mới. Do đó, KTCS không có quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối đặc trưng; không có lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất riêng biệt. Tuy nhiên, là một mô hình kinh tế vận hành trong điều kiện nền kinh tế thị trường, mô hình KTCS cũng tồn tại các quan hệ kinh tế như: quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối, quan hệ cung - cầu, trị trường và cạnh tranh, lao động và việc làm,... Các quan hệ kinh tế này là quan hệ phức hợp, pha trộn bởi quan hệ kinh tế của nhiều thành phần kinh tế khác nhau, như: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể và hợp tác xã; kinh tế tư nhân; kinh tế có vốn nước ngoài.

Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch được hiểu là mô hình vận hành các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và liên quan thông qua các nền tảng công nghệ trên môi trường Internet nhằm chia sẻ quyền sở hữu và sử dụng tài sản, sản phẩm, dịch vụ du lịch giữa nhà cung cấp và người có nhu cầu du lịch, có thể qua hoặc không qua bên trung gian, có thể mất phí hoặc miễn phí giao dịch trên các nền tảng chia sẻ.

Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch là một bộ phận cấu thành của kinh tế chia sẻ nói chung, diễn ra trong lĩnh vực du lịch (lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách du lịch) và một số lĩnh vực liên quan ( ăn uống, giải trí, mua sắm phục vụ khách du lịch). Các quan hệ kinh tế của mô hình KTCS trong du lịch cũng là một bộ phận cấu thành, biểu hiện đặc trưng các quan hệ kinh tế của KTCS.

Xác định rõ các quan hệ kinh tế trong mô hình KTCS trong du lịch có ý nghĩa quan trọng để đánh giá đúng bản chất kinh tế của mô hình này. Qua đó, xác định rõ những vấn đề đặt ra để đề xuất những giải pháp, kiến nghị chính sách cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp ban hành những quy định cụ thể thúc đẩy mô hình này phát triển phù hợp với khách quan và hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành.

2. Các quan hệ kinh tế của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam

2.1. Quan hệ sở hữu

Thực tế, mô hình KTCS trong du lịch ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại 03 hình thức sở hữu của 03 nhóm đối tượng chính:

- Nhóm đối tượng là nhà cung cấp dịch vụ du lịch: Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân đứng tên thành lập/sáng lập các cơ sở kinh doanh lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách du lịch; chủ nhà hàng/cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch; chủ cửa hàng/cơ sở kinh doanh mua sắm phục vụ khách du lịch; chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thê; chủ các phương tiện vận chuyển chuyên chở khách du lịch và cho khách du lịch thuê; chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác phục vụ khách du lịch. Tài sản thuộc quyền sở hữu của các chủ thể trên bao gồm: động sản và bất động sản được sử dụng phục vụ mục đích kinh doanh du lịch như: khách sạn, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, nhà hàng, cửa hàng và tài sản gắn liền; trụ sở đại lý, văn phòng kinh doanh du lịch và tài sản gắn liền; vốn điều lệ (vốn đăng ký kinh doanh); thương hiệu, quyền sở hữu thương hiệu, bản quyền, quyền phát minh, sáng chế ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ kinh doanh du lịch; xe cộ, phương tiện vận chuyển khách du lịch; và các tài sản liên quan khác.

- Nhóm đối tượng là nhà cung cấp dịch vụ nền tảng chia sẻ: Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân đứng tên thành lập/sáng lập công ty công nghệ kinh doanh nền tảng chia sẻ phục vụ du lịch; cá nhân, tổ chức tạo ra nền tảng chia sẻ phục vụ du lịch. Tài sản thuộc quyền sở hữu của các chủ thể trên là động sản và bất động sản được sử dụng phục vụ mục đích kinh doanh nền tảng chia sẻ phục vụ du lịch như: các nền tảng công nghệ chia sẻ; bản quyền, bằng phát minh sáng chế, chứng nhận sở hữu trí tuệ đối với tài sản là các nền tảng chia sẻ được tạo ra phục vụ du lịch; thông tin, giải pháp công nghệ, tài nguyên số; vốn điều lệ (đăng ký kinh doanh khi thành lập công ty); động sản và bất động sản đăng ký sử dụng phục vụ kinh doanh; và các tài sản liên quan khác.

- Nhóm đối tượng là người tiêu dùng du lịch: Chủ sở hữu là người tiêu dùng du lịch (khách du lịch và những người có nhu cầu du lịch). Tài sản thuộc quyền sở hữu của các chủ thể trên gồm: thông tin cá nhân; tài sản cá nhân sử dụng trong quá trình du lịch.

Chủ sở hữu, tài sản, quyền sở hữu được quy định cụ thể, rõ ràng tại Bộ Luật dân sự năm 2015, các Điều: 105 - 108, 158 - 160, 186 - 224. Thông tin cá nhân, dữ liệu, tài nguyên số, công nghệ, giải pháp công nghệ được quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Công nghệ thông tin 2006 (VBHN 2017), Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản liên quan. Bản quyền, bằng phát minh sáng chế, chứng nhận sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật Khoa học công nghệ 2013, Luật Sở hữu trí tuệ 2019 và các văn bản liên quan.

Việc khai thác, sử dụng tài sản của các chủ sở hữu trong mô hình KTCS trong du lịch được thực hiện thông qua các hợp đồng dân sự. Hiện nay, Bộ Luật dân sự 2015 đã có các quy định chung về hợp đồng cũng như những quy định riêng về một số hợp đồng thông dụng có liên quan đến mô hình KTCS như: hợp đồng thuê tài sản (Điều 472 - 493), hợp đồng dịch vụ (Điều 513 - 521), hợp đồng vận chuyển (Điều 522 - 541),... Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2014 cũng đã có những quy định cụ thể về các hợp đồng cho thuê nhà (Điều 129 - 133). Khác với các loại hình kinh doanh khác, quan hệ hợp đồng trong nền KTCS là “quan hệ 3 bên”, giữa Nhà cung cấp dịch vụ du lịch - Nhà cung cấp nền tảng chia sẻ - Người tiêu dùng du lịch.

2.2. Quan hệ phân phối

Thực tế, mô hình KTCS trong du lịch ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra 03 mối quan hệ phân phối căn bản là B2C, B2B2C và C2C. Cụ thể:

- Phân phối trực tiếp giữa nhà cung cấp dịch vụ du lịch với người tiêu dùng du lịch (B2C): Doanh nghiệp du lịch chia sẻ, sản phẩm, dịch vụ của mình trực tiếp cho khách mà không thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Các nền tảng chia sẻ theo loại hình phân phối này là website của doanh nghiệp hoặc các nền tảng chia sẻ miễn phí như facebook, zalo.

- Phân phối gián tiếp giữa nhà cung cấp dịch vụ du lịch với người tiêu dùng du lịch thông qua một bên trung gian (B2B2C): Doanh nghiệp du lịch chia sẻ sản phẩm, dịch vụ của mình thông qua bên trung gian là các công ty kinh doanh nền tảng chia sẻ. Người tiêu dùng du lịch truy cập vào các nền tảng này để thực hiện các giao dịch.

- Phân phối lại giữa những người tiêu dùng du lịch (C2C): chia sẻ trực tiếp giữa những người tiêu dùng du lịch thông qua các kênh trực tuyến (thường là các nền tảng miễn phí như các nhóm facebook, zalo).

Ví dụ: khách du lịch thuê một căn hộ nghỉ dưỡng trong một kỳ nghỉ nhất định nhưng không sử dụng hết không gian, vẫn còn phòng trống, mời thêm một số khách du lịch khác thuê cùng nhằm chia sẻ bớt chi phí thuê căn hộ trong kỳ nghỉ (loại hình time-share). Khách hàng thuê xe du lịch tự lái trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không sử dụng hết chỗ ngồi, vẫn còn ghế trống, mời thêm một số khách có chung lộ trình, thời gian du lịch đi chung để chia sẻ bớt chi phí thuê xe.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có loại hình B2C, B2B2C là phổ biến, còn loại hình C2C chưa thực sự phổ biến trong mô hình KTCS ở Việt Nam hiện nay.

2.3. Quan hệ cung - cầu về sản phẩm, dịch vụ du lịch

a) Đối với Cung

Theo số liệu điều tra của của tác giả đối với 50 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, có 18% doanh nghiệp được hỏi đánh giá mô hình kinh tế chia sẻ có tác động rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; 72% đánh giá tác động lớn; 8% đánh giá tác động ở mức trung bình; chỉ có 2% đánh giá tác động nhỏ.


Hình 1. Lý do doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ

(Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, năm 2022)

Lý do khiến các doanh nghiệp tăng cung sản phẩm trên các nền tảng chia sẻ là: tiếp cận được nhiều khách hơn (36,03% phiếu chọn); tăng doanh thu bán hàng (28,68% phiếu); giảm chi phí tiếp thị, quảng cáo (9,85% phiếu); tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp (15,44% phiếu). (Hình 1).

Mặc dù đa số doanh nghiệp được hỏi cho rằng doanh thu bán sản phẩm và dịch vụ du lịch trực tiếp qua các kên truyền thống vẫn là chủ yếu (68% phiếu chọn), tuy nhiên, cũng đã có một số doanh nghiệp khai thác khá tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ với 12% doanh nghiệp cho rằng doanh thu bán hàng trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến ngang bằng với doanh thu bán hàng trực tiếp và 20% doanh nghiệp xác nhận doanh thu bán hàng trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến cao hơn doanh thu bán hàng trực tiếp (Hình 2). 

 

Hình 2. Tỷ trọng bán sản phẩm, dịch vụ của một số doanh nghiệp du lịch

(Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, năm 2022)

Trong số các nền tảng chia sẻ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, những nền tảng chia sẻ có nguồn gốc nước ngoài chiếm ưu thế hơn, được nhiều doanh nghiệp du lịch lựa chọn, đăng ký cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tỷ lệ lựa chọn lần lượt là: Booking (18,14%), Agoda (15,04%), Traveloka (13,27%), TripAdvisor (12,39%). Các nền tảng chia sẻ “thương hiệu Việt” yếu thế hơn, tuy nhiên, có một nền tảng đang vươn lên mạnh mẽ, dần chiếm được sự tin tưởng, lựa chọn của các doanh nghiệp du lịch như: Mytour (12,39%), Chudu24h (9,29%), iVIVU (8,85%), Vntrip (6,19%) (Hình 3).


Hình 3. Đăng ký bán sản phẩm/dịch vụ trên các nền tảng chia sẻ

(Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, năm 2022)

Trong số 50 doanh nghiệp được điều tra, có đến 40% doanh nghiệp đã thực hiện bán sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến được hơn 5 năm (khoảng từ những năm 2015, 2016), 42% doanh nghiệp đã tham gia khoảng từ 3 - 5 năm, 18% doanh nghiệp mới tham gia được 1 - 2 năm. 100% doanh nghiệp lựa chọn sẽ tiếp tục thực hiện bán sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến trong thời gian tới.

b) Đối với Cầu

Cầu du lịch bao gồm những người có nhu cầu du lịch, có khả năng chi trả, thanh toán các sản phẩm và dịch vụ du lịch, truy cập vào các nền tảng chia sẻ về du lịch, tìm hiểu thông tin, thực hiện giao dịch trên các nền tảng chia sẻ. Nguồn cầu du lịch phụ thuộc vào số lượng người dùng có nhu cầu du lịch, có khả năng sử dụng công nghệ (điện thoại, các thiết bị thông minh, internet) phục vụ cho các hoạt động và mục đích du lịch.

Theo số liệu điều tra của tác giả đối với 200 khách du lịch, có 75,5% khách được hỏi cho rằng thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị thông minh khác hỗ trợ các hoạt động du lịch, 22% khách trả lời ít sử dụng và chỉ có 2,5% khách trả lời không sử dụng. Mục đích sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị công nghệ của khách trong hoạt động du lịch tương đối đa dạng, trong đó, sử dụng cho mục đích “mua vé, đặt phòng, mua tour trực tuyến” chiếm 22,51%, “tra cứu, tìm hiểu thông tin du lịch” chiếm 21,99%, “sử dụng các ứng dụng, tiện ích thông minh hỗ trợ du lịch” chiếm 10,30%, còn lại 45,20% khách sử dụng với mục đích “quay video, chụp ảnh, livestream đăng tải lên mạng xã hội”.

Sở dĩ khách có nhu cầu thực hiện các giao dịch trực tuyến trên các nền tảng chia sẻ do những lợi ích mang lại như: được hưởng các ưu đãi, giảm giá (chiếm 23,73% phiếu); có thể so sánh, lựa chọn sản phẩm dịch vụ của nhà cung cấp trên các nền tảng (22,92% phiếu); nhanh, thuận tiện, chính xác (23,53% phiếu); thông tin đầy đủ, đa dạng (18,86% phiếu); độ tin cậy (chiếm 10,95% phiếu) (Hình 4).


Hình 4. Ưu điểm khi khách du lịch sử dụng các nền tảng chia sẻ

(Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, năm 2022)

Kết quả điều tra của tác giả đối với 200 khách du lịch cũng cho thấy, tỷ lệ khách lựa chọn các giao dịch trực tuyến trên nền tảng có nguồn gốc nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao, như Traveloka chiếm 38,83%; Booking chiếm 25,53%; Agoda chiếm 11,70%; TripAdvisor chiếm 6,38%; các nền tảng trong nước chiếm tỉ lệ rất thấp, như iVIVU chiếm 5,85%; Mytour chiếm 3,72%; Vntrip và Luxstay cùng chiếm tỷ lệ 2,66%; còn lại là các nền tảng khác (Hình 5).


Hình 5. Lựa chọn các kênh đặt phòng của khách du lịch

(Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, năm 2021 - 2022)

Khi được hỏi về nhu cầu của sử dụng các dịch vụ chia sẻ trực tuyến trong những lần du lịch tiếp theo, 61% khách du lịch cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng chia sẻ để phục vụ các hoạt động mua vé, đặt phòng, mua tour trực tuyến, thậm chí, 20% khách lựa chọn sẽ sử dụng nhiều và thường xuyên sử dụng, chỉ có 15% khách phân vân và 4% khách không sử dụng.

2.4. Thị trường và cạnh tranh

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tự bản thân nó đã là một trong những cách thức phát triển thị trường. Thông qua hoạt động của các nền tảng chia sẻ, thị trường du lịch được mở rộng, sản phẩm và dịch vụ du lịch được giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng du lịch trong nước và trên thế giới.

Các các nền tảng chia sẻ có nguồn gốc nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam chủ yếu là các nền tảng có thương hiệu mạnh, có lượng truy cập lớn, hoạt động ở nhiều quốc gia, khu vực. Sự xuất hiện của các nền tảng chia sẻ trong lĩnh vực du lịch có vai trò quan trọng trong việc mở rộng và kết nối các thị trường thế giới với Việt Nam. Booking có lượng người dùng chủ yếu đến từ thị trường Châu Âu, Agoda sở hữu lượng người dùng chủ yếu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Expedia sở hữu lượng người dùng chủ yếu ở Châu Mỹ và Châu Đại Dương, Traveloka lại tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Nếu không có sự xuất hiện của các nền tảng này, việc tiếp cận thị trường du lịch Việt Nam của khách du lịch quốc tế ở mọi quốc gia trên thế giới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phải lệ thuộc hoàn toàn vào các đại lý lữ hành quốc tế, quy mô thị trường và khả năng mở rộng thị trường sẽ bị giảm đi đáng kể.

Các nền tảng chia sẻ nội (thương hiệu Việt) như Vntrip, Mytour, Tripi, iVIVU, Chudu24,... mặc dù mới vận hành được khoảng vài năm trở lại đây nhưng cũng đã có vai trò tích cực trong việc mở rộng thị trường, kết nối với với người tiêu dùng du lịch trong nước và quốc tế.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng luôn chủ động trong việc phát triển thị trường. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị bố trí nhân sự chuyên trách thực hiện sell và marketing trực tuyến qua các nền tảng công nghệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thường xuyên sử dụng các công cụ tìm kiếm (search engine) như Google Search, Yahoo! Search, Ask.com, Bing.com,... để tăng cường tiếp thị, quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ lẻ cũng sử dụng các nền tảng mễn phí như hệ thống mạng xã hội để đăng tải các thông tin quảng cáo và bán sản phẩm, dịch vụ.

Khách du lịch cũng thường xuyên sử dụng các nền tảng mạng xã hội để đăng tải video, clip, hình ảnh, chia sẻ với người thân, bạn bè về những khoảng khắc, hoạt động du lịch của mình, qua đó, góp phần tăng thêm hiệu quả quảng bá du lịch, phát triển thị trường.

Cạnh tranh trong mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch diễn ra theo cả hai chiều hướng: cạnh tranh bình đẳng và cạnh tranh không bình đẳng, ở cả hai nhóm đối tượng: doanh nghiệp kinh doanh du lịch và doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ chia sẻ.

- Cạnh tranh bình đẳng: các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trên các nền tảng chia sẻ cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm dịch vụ, chính sách ưu đãi và hậu mãi đối với khách hàng. Khách hàng có quyền so sánh sản phẩm, dịch vụ và tham khảo các đánh giá của người dùng để đưa ra quyết định. Các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng cạnh tranh về công nghệ nền tảng, lượng người truy cập, chính sách ưu đãi giá thuê nền tảng, chính sách hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị,...

- Cạnh tranh không bình đẳng: Các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống phải chịu nhiều quy định ràng buộc về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, do đó, chịu thiệt thòi hơn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng chia sẻ (không hoặc ít phải chịu các ràng buộc pháp lý do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu những quy định cụ thể). Cạnh tranh không bình đẳng cũng diễn ra giữa các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng nội địa (phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo quy định) và doanh nghiệp kinh doanh nền tảng có nguồn gốc nước ngoài (trụ sở đặt ở nước ngoài, có thể lách luật không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế theo quy định).

Ngoài ra, trên thực tế cũng xảy ra những trường hợp cạnh tranh không bình đẳng khác như: các doanh nghiệp bị đối thủ cạnh tranh “tấn công” bằng các hình thức đánh giá thấp sao, bình luận xấu, đặt/hủy các đơn hàng, bom hàng,...

2.5. Lao động, việc làm

Thực tế, mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch ở Việt Nam đang tồn tại hai dạng quan hệ lao động, việc làm:

- Lao động trực tiếp: làm việc toàn thời gian, quan hệ lao động được ràng buộc bởi hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

- Lao động gián tiếp: làm việc bán thời gian, theo ca, kíp hoặc theo từng đơn hàng, công việc cụ thể mà các doanh nghiệp thuê; không chịu ràng buộc bởi hợp đồng lao đồng mà chỉ thông qua thương lượng, thỏa thuận hai bên. Quan hệ lao động sẽ kết thúc khi cấu phần công việc được hoàn thành. Lực lượng lao động này có thể sẽ phải đối diện với những rủi ro nhất định nếu xảy ra tranh chấp hoặc gặp phải các điều kiện làm việc bất lợi, không đảm bảo công cụ, phương tiện làm việc, không có bảo hộ lao động, không được nhận trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm,... Tuy nhiên, người lao động lại thoải mái hơn trong việc lựa chọn công việc và thời gian làm việc phù hợp, có thể làm việc cho nhiều doanh nghiệp hoặc nhiều bên khác nhau cùng lúc.

Về nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng lao động:

- Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng chia sẻ: quy mô lao động được tuyển dụng, sử dụng tùy thuộc vào quy mô hoạt động của các nền tảng, ví dụ: Booking.com có khoảng 17.500 người, làm việc tại trụ sở và văn phòng đại diện tại hơn 140 quốc gia; Agoda.com có 3.700 nhân viên làm việc tại 53 văn phòng ở 30 quốc gia; Airbnb có 6.000 lao động trên toàn cầu, trong đó hơn 3.000 người làm việc tại Mỹ; Traveloka có khoảng hơn 2.000 nhân viên, làm việc ở các đại lý đặt tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

- Đối với các doanh nghiệp du lịch: nhu cầu, quy mô lao động được sử dụng phục vụ kinh doanh theo mô hình KTCS tùy thuộc vào quy mô, tiềm lực tài chính và công nghệ của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều có bộ phận kinh doanh trực tuyến và bố trí nhân sự chuyên trách kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường sử dụng lễ tân/trực điện thoại, nhân viên kinh doanh kiêm nhiệm vị trí việc làm trên các nền tảng chia sẻ. Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thường do chủ cơ sở đảm nhiệm công việc này. Theo số liệu điều tra của tác giả đối với 50 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, có 64% doanh nghiệp được hỏi có bố trí lao động chuyên biệt phụ trách hoạt động kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ; 28% doanh nghiệp không có lao động chuyên biệt nhưng có bố trí lễ tân/trực điện thoại kiêm phụ trách bán hàng trên các nền tảng chia sẻ và có 8% doanh nghiệp không bố trí lao động phụ trách bán hàng trên kênh trực tuyến, chủ doanh nghiệp phụ trách trực tiếp công việc này.

3. Giải pháp thúc đẩy các quan hệ kinh tế của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam

a) Đối với quan hệ sở hữu và phân phối

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định quản lý liên quan đến tài sản, quyền sở hữu tài sản; rà soát, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số quy định cụ thể đối với  việc thực hiện các giao dịch mua bán quyền sở hữu, sử dụng, phân phối tài sản, sản phẩm, dịch vụ trên môi trường Internet nói chung và trên các nền tảng chia sẻ trong du lịch nói riêng.

Rà soát, hoàn thiện quy định liên quan đến thông tin cá nhân; quyền khai thác, sử dụng thông tin cá nhân, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin cá nhân người dùng trên môi trường Internet.

Thúc đẩy quan hệ phân phối của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch theo hướng đa dạng hóa các hình thức phân phối. Trong đó, đẩy mạnh phân phối theo hình thức B2B2C thông qua các nền tảng OTA của bên trung gian để tăng kết nối, mở rộng thị trường, giảm chi phí tiếp thị, quảng cáo; đồng thời, chú trọng phân phối theo hình thức B2C giữa doanh nghiệp du lịch với khách du lịch để giảm thiểu chi phí trung gian, tăng tính tự chủ của doanh nghiệp.

b) Đối với quan hệ cung - cầu

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành như: Luật Du lịch, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử,... đảm bảo hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.

Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ; phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh.

Chú trọng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch với các doanh nghiệp cung cấp các nền tảng chia sẻ để đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ được chia sẻ phù hợp với xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng du lịch.

Thiết lập kênh phản hồi trên các nền tảng chia sẻ, khuyến khích người dùng đánh giá, phản hồi về chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong và sau khi sử dụng.

c) Đối với thị trường và cạnh tranh

Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường để phát hiện nhu cầu và các xu hướng tiêu dùng mới trong các mô hình kinh tế chia sẻ du lịch, trên cơ sở đó, đưa ra định hướng cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng du lịch.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường, tăng cường công tác dự báo sớm đối với sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch để tổ chức các hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá phù hợp

Xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS với doanh nghiệp truyền thống, giữa doanh nghiệp kinh doanh nền tảng nước ngoài với doanh nghiệp kinh doanh nền tảng trong nước.

Rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh để đảm bảo tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, chống cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát độc quyền và lũng đoạn thị trường.

Kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng chia sẻ có trụ sở đặt ở nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam nhưng không đăng ký kinh doanh, có biện pháp quản lý thích hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng chia sẻ đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chủ động xây dựng, điều chỉnh chính sách thuế và các công cụ quản lý thuế đối với từng loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch nhằm hạn chế và giải quyết vấn đề gian lận thuế và các nghĩa vụ tài chính. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các hình thức thanh toán điện tử xuyên biên giới. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các bộ công cụ cho phép thống kê các giao dịch điện tử, làm tiền đề cho việc thu thuế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh.

d) Đối với lao động và việc làm

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về lao động và thị trường lao động; rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số điều của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lao động để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch, đặc biệt là những quy định liên quan đến Hợp đồng lao động, chế độ làm việc, điều kiện làm việc, bảo hộ lao động, chính sách bảo hiểm.

Tăng cường nghiên cứu, dự báo cung - cầu lao động, việc làm theo mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch. Đánh giá cơ cấu ngành nghề, việc làm mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch để dự báo nhu cầu và khả năng đáp ứng của thị trường lao động; đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.

Có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật, công nghệ, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trên các nền tảng chia sẻ cho người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho người lao động kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ để đáp ứng yêu cầu công việc tốt hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]         Chu Thị Hoa (2019), Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số vấn đề pháp lý, Báo cáo Đề án mô hình kinh tế chia sẻ.

[2]         Trần Minh Phương (2020), “Kinh tế chia sẻ và những tác động đến du lịch tại việt nam”, Tạp chí Công thương, số tháng 6/2020.

[3]         Nguyễn Minh Thúy (2019), “Kinh tế chia sẻ và những tác động đến hoạt động kinh doanh lưu trú”, Tạp chí Du lịch, số tháng 5/2019.

[4]         Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, số 999/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 8 năm 2019, Hà Nội.

[5]       Botsman, R., Rogers, R. (2010), What’s Mine Is Yours: The Rise of Collaborative Consumption, Harper Business Publishing-house (book).

[6]         Maria Juul (2017), Tourism and the sharing economy, European Parliamentary Research Service.

[7]         Sundararajan Arun (2016), The Sharing Economy: The End of Employment and the Rise of Crowd-Based Capitalism, MIT Press (book).

TS. Lê Quang Đăng

(dangquangleorv@gmail.com)

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Tổng số lượt xem trang