Hồ Hòa Bình với chiều dài 70 km, nằm trải rộng trên địa bàn 17 xã ở 5 huyện, thành phố là: huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và TPHB. Được hình thành sau khi có công trình thuỷ điện Hoà Bình, trên hồ chỗ rộng nhất 1- 2 km, sâu từ 80 - 110 m. Hồ có dung tích trên 9 tỷ m3 nước. Nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với địa hình bị chia cắt bởi nhiều ngòi, khe, suối... Trong hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích 157,5 ha. Phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, hai bên hồ là những cánh rừng núi ngút ngàn, thơ mộng, hấp dẫn du khách.
Thac Bo - Hoa Binh
Hồ Hòa Bình từ lâu đã được biết đến như một “Vịnh Hạ Long trên núi” với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều điểm thăm quan tâm linh, văn hoá, du lịch nổi tiếng  như Đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên... Lễ hội Đền Bờ được tổ chức mỗi năm một lần, diễn ra từ mùng 7 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn không phải riêng của người Mường Hòa Bình mà còn có sự tham gia của nhiều dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan và làm lễ.

Đền Chúa Thác Bờ

Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân, con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Chúa xưa vốn là tiên nữ, giáng sinh vào nhà họ Đinh, sau này, đất nước gặp cơn loạn lạc, bà đã tập hợp dân Mường liên kết với các dân tộc khác ở vùng đất Hòa Bình, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Sau khi đã đánh đuổi được bọn ngoại xâm, bà được triều đình giao cho cai quản vùng đất Mường ở Hòa Bình. Tại đây bà giúp dân ổn định cuộc sống, dạy nhân dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà thả lưới đánh bắt cá (tương truyền Chúa Thác còn là người giúp dân trị thủy, chế ngự con sông Đà cuồn cuộn sóng hung dữ). Khi thanh nhàn, chúa lại một mình trên chiếc thuyền độc mộc, chèo từ Bến Ngọc, Sông Đà đi du ngoạn khắp các thắng cảnh.
Den chua Thac Bo
Đền Chúa Thác Bờ toàn cản (ảnh: tác giả)

Đền Chúa Thác Bờ cận cảnh (ảnh: tác giả)
Sự tích kể rằng Bà Đinh Thị Vân trong một lần giúp Vua vận chuyển lương thực do sóng to gió lớn, thuyền đã bị đắm tại Hang Miếng, xác của Bà trôi về vị trí ngôi đền hiện nay.
Chúa Thác Bờ được thờ ở rất nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đền Chúa Thác tại thung Nai Đà Bắc và đền Chúa Thác Bờ tại Vầy Nưa, Đà Bắc.

Động Thác Bờ

Cách không xa là động Thác Bờ nằm ở sườn núi phía bắc trong dẫy núi Chúa bên bờ hồ Hòa Bình, thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc). Vào mùa nước cạn, du khách sẽ leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động nhưng mùa nước đầy, du khách có thể đi từ thuyền sang nhà nổi, qua cầu phao được kết bằng thân cây  bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng trong lòng động. Cửa động cao tới 25 m, rộng 20 m, lòng động gập ghềnh, nhấp nhô chỗ rộng, chỗ hẹp. Động được chia làm nhiều tầng - với những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được chạm chổ tinh tế đầy kỳ lạ và bí ẩn, đường nét uyển chuyển, mềm mại lung linh soi bóng nước... Đặc biệt, tạo hóa  ban tặng nơi đây một dàn đàn đá, dàn cồng chiêng Mường tuyệt mỹ.
Dong Thac Bo
Động Thác Bờ (ảnh: tác giả)

Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật. Khu vòm động này khá rộng, có không khí mát lành. Ngoài ban thờ Phật tổ quan âm rất lớn, Quan thế âm Bồ tát, các vị thần linh cai quản vùng này, trong động còn có ban thờ Bác Hồ luôn thơm mùi hoa tươi và hương trầm.
Vào sâu trong động, khám phá những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm, mới thấy sức sáng tạo của Mẹ thiên nhiên là vô cùng tận.

Đặc sản Cá Sông Đà

Đến tham quan Hồ Hòa Bình - Thác Bờ Sông Đà quý khách cũng có cơ hội thưởng thức đặc sản cá nướng sông Đà, với rất nhiều loại cá lớn nhỏ, có thể thưởng thức tại chỗ hoặc mua về làm quà.
Cá nướng sông Đà: toàn cảnh (ảnh: tác giả)

Cá nướng sông Đà: cận cảnh (ảnh: tác giả)

Cá nướng sông Đà - Thác Bờ: đặc sản Hòa Bình (ảnh: tác giả)


Trải nghiệm du xuân 2017
Lee_da

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang