Để phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thể chế chính sách được coi là nhân tố quan trọng nhất, có ý nghĩa mở đường cho du lịch phát triển.

Chinh sach phat trien du lich viet nam
Du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh (Ảnh minh họa)

1. Thể chế, chính sách với phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay

Ngành Du lịch hiện đang nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước. Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều thể chế, chính sách quan trọng liên quan đến du lịch được ban hành, qua đó mang lại ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch.
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30 tháng 12 năm 2011 (Quyết định số 2473/QĐ-TTg) và “Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt ngày 22 tháng 01 năm 2013 (Quyết định số 201/QĐ-TTg) là những mốc quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch. Để cụ thể hoá các định hướng của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, giai đoạn 2013 - 2017 công tác quy hoạch cấp vùng, các khu du lịch quốc gia, các địa phương đã được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển ở cả cấp độ quốc gia, cấp vùng và địa phương. 
Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2014 là giai đoạn khó khăn của ngành du lịch do nhiều yếu tổ chủ quan và khách quan mang lại. Các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch đều rất thấp. Năm 2014, ngành Du lịch đã đón được 7,87 triệu lượt khách quốc tế (tăng 3,96% so với năm 2013, trong 4 năm mới tăng khoảng 1,8 triệu lượt) và phục vụ khoảng 38.5 triệu lượt khách nội địa (tăng 10% so với năm 2013). Mức tăng trưởng khách bình quân cho cả giai đoạn đạt khoảng 9,4% đối với khách quốc tế và 8,67% đối với khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch năm 2014 đạt 230 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013, tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn đạt 20,9%. 
Trước bối cảnh khó khăn của ngành du lịch chưa có lối thoát, ngày 8/12/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92/2014/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu, mang tính đột phá nhằm thúc đẩy du lịch phát triển như: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; Tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch; Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
Trước thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về du lịch ở một số địa phương, khu, điểm du lịch còn chưa nghiêm, còn để xảy ra nhiều tình trạng ăn theo du lịch như cò mồi, chèo kéo, trộm cắp, cướp giật tài sản của khách, ăn xin,... gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh du lịch quốc gia; chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế; môi trường du lịch, vệ sinh, an toàn chậm được cải thiện; sức cạnh tranh còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Ngày 02 tháng 07 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/2015/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Chỉ thị 14 được triển khai trong thực tế đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại của ngành du lịch, qua đó  nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch và phát triển du lịch.
Hiệu lực, hiệu quả của các Văn bản pháp quy được ban hành trong hai năm 2014, 2015 đã tạo chuyển biến tích cực trong ngành du lịch. Quản lý nhà nước về du lịch được nâng cao; hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện; những tiêu cực ở các khu, điểm du lịch gây ảnh hưởng tới khách du lịch giảm thiểu rõ rệt; với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được cải thiện và nâng cao; công tác xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh; môi trường kinh doanh du lịch được đảm bảo, năng lực cạnh tranh du lịch được nâng cao. Năm 2015, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2013, xếp hạng 75/141 quốc gia; khách quốc tế tuy tăng nhẹ so với năm 2014 (tăng 0,9%) nhưng khách nội địa đã tăng đột biến, đạt 57 triệu lượt khách (tăng 48% so với năm 2014); tổng thu từ khách du lịch cũng tăng đáng kể, đạt 337,83 nghìn tỷ đồng (tăng 46,9% so với năm 2014). Có thể coi năm 2015 là năm tạo đà cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề hết sức quan trọng tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của du lịch trong giai đoạn mới. Cũng trong năm 2017, Luật Du lịch sửa đổi (Luật số 09/2017/QH14) được ban hành ngày 19 tháng 6 với nhiều yếu tố mới, có độ cởi mở cao, đã trở thành khung pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh, tình hình hiện nay.
Để tăng cường thu hút khách du lịch,  đặc biệt là khách quốc tế, việc tạo thuận lợi về thủ tục visa và nhập cảnh là hết sức quan trọng. Từ năm 2015 đến năm 2017, Chính phủ đã triển khai thí điểm các chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho khách du lịch của một số quốc gia trên thế giới. Cụ thể, Nghị quyết số 39/2015/NQ-CPNghị quyết số 46/2015/NQ-CP của Chính phủ về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân 6 nước; Nghị định số 07/2017/NĐ-CPNghị quyết số 124/2017/NQ-CP của Chính phủ quy định cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân 46 nước. Đây là điểm nhấn quan trọng về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Co che, chinh sach ve du lich
Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2015 - 2017
Các thể chế, cơ chế, chính sách của Đảng và Chính phủ đã được ban hành và triển khai vào thực tế trong 03 năm qua (2015-2017) đã mang lại hiệu quả rất lớn, tạo hiệu ứng tích cực đối với ngành du lịch, đưa du lịch Việt Nam vượt qua thời kỳ có khăn, bước vào gia đoạn phát triển mới, với diện mạo mới và vị thế mới trong khu vực và trên thế giới. Năm 2017, ngành du lịch đã thu hút được hơn 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 63% (5,03 triệu lượt khách) so với năm 2014 và phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tăng 90% (34,7 triệu lượt khách) so với năm 2014. Tổng thu từ khách du lịch năm 2017 đạt 541 nghìn tỷ đồng, tăng 135,2% (311 nghìn tỷ đồng) so với năm 2014. Các chỉ số khác về cơ sở lưu trú, lao động du lịch, đóng góp của du lịch vào GDP cả nước,... cũng tăng lên đáng kể.

2. Một số vấn đề đặt ra

Do xu thế phát triển nhanh chóng của du lịch cũng như những tác động của các vấn đề mới nảy sinh trên thế giới như cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hợp tác và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không - đặc biệt là sự xuất hiện của hàng không giá rẻ, các chính sách nới lỏng về thị thực và nhập cảnh với khách du lịch, tác động của các vấn đề kinh tế - thương mại toàn cầu (chiến tranh thương mại), cạnh tranh du lịch quốc tế ngày càng trở nên khốc liệt,... đã đặt du lịch Việt Nam trước những thách thức to lớn để thích ứng và phát triển.Mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về du lịch của Việt Nam hiện nay tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch, tuy nhiên, thể chế, chính sách về du lịch của nước ta vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể:
- Một số chính sách phát triển du lịch chưa thực sự thông thoáng, hiệu quả chưa cao; Nhiều văn bản quy phạm hướng dẫn triển khai chính sách pháp luật về du lịch còn chậm, nên tính thực thi bị hạn chế. Một số quy định chưa phù hợp, mang tính hình thức nên không áp dụng được hoặc áp dụng khó khăn. Hoạt động tuyên truyền  hướng dẫn thực hiện văn bản, chính sách pháp luật  du lịch chưa tốt, nên tính hiệu quả của văn bản chưa cao. Nhiều văn bản còn thiếu đồng bộ, một số văn bản ra đời chậm so với yêu cầu thực tiễn, hiệu quả hiệu lực thấp. Thiếu những chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.
- Hệ thống cơ chế, chính sách, luật pháp về du lịch còn thiếu và chưa đồng bộ: Một số cơ chế, chính sách về du lịch, văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục liên quan đến du lịch chậm được nghiên cứu, giải quyết hoặc triển khai thiếu đồng bộ. Mặt khác, những vấn đề này cũng chưa thường xuyên được kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm, thể hiện rõ trong việc quản lý tài nguyên, môi trường, trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, bố trí vốn và cơ cấu đầu tư, xây dựng cơ chế quản lý và cơ chế tài chính ngành Du lịch...
- Thống kê du lịch liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp hiện nay là khâu yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá, dự báo và điều hành hoạt động du lịch cả nước và từng địa phương.- Một số chính sách, cơ chế quy định về những vấn đề mới nảy sinh trong ngành du lịch chưa có hoặc chưa đủ mạnh như những quy định về ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 với ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh, chính sách thị thực thông thoáng, chính sách phát triển ngành hàng không,...

3. Một số giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới

Thứ nhất: Đổi mới, hoàn thiện hệ thống luật pháp; tăng cường hợp tác công – tư; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tối ưu và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội cho phát triển du lịch; xây dựng chiến lược đầu tư du lịch bền vững; chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, nhất là các khu vực động lực, địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực du lịch; chính sách phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên;
Thứ hai: Bổ sung, hoàn thiện và ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi tối đa, đơn giản hóa thủ tục thị thực nhập cảnh và hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch;
Thứ ba: Ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược và các tập đoàn đa quốc gia về du lịch chuyên nghiệp hàng đầu thế giới đầu tư hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế tại các khu vực động lực và địa bàn trọng điểm.
Thứ tư: Dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, động lực và khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch; đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ.
Thứ năm: Đẩy mạnh thực hiện chính sách “mở cửa bầu trời”, tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn, tăng cường tần suất các đường bay hiện có; giải quyết các điểm nghẽn và tình trạng quá tải tại các cảng hàng không, xây dựng sân bay mới, hiện đại tại một số địa bàn trọng điểm; tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dụng tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông; cải thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch;
Thứ sáu: Ưu tiên ngân sách nhà nước và có cơ chế thích hợp huy động nguồn vốn từ xã hội để đầu tư cho công tác xây dựng quy hoạch du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch và phát triển du lịch cộng đồng.
Thứ bảy: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng cơ chế chính sách đặc thù (trình Chính phủ ban hành) về việc ưu đãi thuế; ưu tiên, miễn giảm thuế; cho chậm tiền thuế có thời hạn; giảm tiền thuế đất; cho vay với lãi suất ­ưu đãi… đối với các dự án đầu tư­ mới, đồng bộ vào du lịch có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; các dự án đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh du lịch mới có khả năng tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam, có khả năng cạnh tranh và hấp dẫn khách du lịch./.
TS. Lê Quang Đăng
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang