Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), khi các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ hiện đại với ngành Du lịch và phát triển du lịch thông minh là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, hiện đang được triển khai rộng khắp trong toàn ngành.
Khach du lich thong minh

1. Sự chuẩn bị về công nghệ và tiếp cận du lịch thông minh


Du lịch thông minh mới chớm nở tại Việt Nam, vì thế nó vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ. Để hiểu và nắm bắt được xu thế phát triển cũng như có những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển du lịch thông minh, cơ quan quản lý du lịch các cấp tại Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm xoay quanh chủ đề này. Chỉ trong vài năm trở lại đây, rất nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề đã được tổ chức với quy mô cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Trong thời đại CMCN 4.0, việc hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với công tác quảng bá hình ảnh Du lịch của Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng. Hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến nhất hiện nay là thông qua các hệ thống website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, báo điện tử. Hiện nay, 100% cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã có website du lịch. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn được xếp hạng theo thang bậc sao ở Việt Nam cũng đã có website riêng. Hệ thống báo điện tử, các trang thông tin ở Việt Nam cũng thường xuyên đăng tải tin bài về du lịch và quảng bá du lịch, đặc biệt các báo lớn, các trang tin lớn… đều có chuyên mục riêng về du lịch. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ lập trình web, cho phép các nhà lập trình thiết kế, tích hợp nhiều tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng web hỗ trợ các hoạt động du lịch như: bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết… thậm chí có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch. Bên cạnh hệ thống website, trang thông tin, báo điện tử, mạng xã hội cũng là một trong những kênh quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, trải nghiệm du lịch và góp phần quảng bá du lịch.
Để hỗ trợ hoạt động du lịch của du khách, các địa phương của Việt Nam trong những năm qua đã nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội trong năm 2018 đã đưa vào sử dụng 2 phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long; một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide khác cũng đã được nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng từ lâu. Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông với ngành Du lịch nhằm hướng tới mục tiêu đưa thành phố trở thành đô thị du lịch thông minh, như: đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh; đưa vào sử dụng phần mềm du lịch thông minh “Vibrant Ho Chi Minh city” và một số phần mềm tiện ích khác như “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”. Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông với ngành Du lịch, phát triển mô hình du lịch thông minh. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch, Đà Nẵng rất quan tâm xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “ Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”. Đặc biệt, đầu năm 2018 Đà Nẵng đưa vào sử dụng ứng dụng Chatbot “Da Nang Fantasticity”, đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Ngoài ra, một số địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Cần Thơ… cũng đang phối hợp tích cực với các tập đoàn viễn thông để triển khai những dự án du lịch thông minh, sản xuất các phần mềm, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch.
Để phát triển du lịch thông minh, cần thiết phải phát triển và hoàn thiện hạ tầng mạng bởi đây là điều kiện quan trọng để triển khai các hoạt động du lịch online. Nhận thức được điều này, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang triển khai lắp đặt các trạm phát wifi miễn phí. Tại Hà Nội, nhiều điểm trên địa bàn thuộc các quận trung tâm đã được lắp đặt trạm phát wifi miễn phí như khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, các khu phố cổ, đường hoa, chợ hoa, công viên, bến xe, tuyến buýt… Một số điểm du lịch của Hà Nội cũng đang được triển khai lắp đặt gồm: Bát Tràng, Vạn Phúc, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 100 điểm phát wifi miễn phí đã được triển khai cho ba khu vực bệnh viện, trường học, điểm công cộng tại các quận trung tâm và gần 1000 điểm phát wifi miễn phí tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố. Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về chủ trương phủ sóng wifi miễn phí phục vụ khách du lịch và cộng đồng. Từ năm 2012, Đà Nẵng đã đầu tư gần 2 triệu USD cho dự án phủ sóng wifi. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có tới gần 500 trạm phát trên tất cả các tuyến đường phố chính, các điểm du lịch dọc bờ biển, các điểm du lịch dọc bờ sông Hàn, các trung tâm mua sắm, trung tâm hành chính, các điểm du lịch và các điểm công cộng khác. Ngoài ra, rất nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang tích cực triển khai phủ sóng wifi miễn phí như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Quảng Bình, Đà Lạt, Cần Thơ…
Các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam cũng rất tích cực tiếp cận CMCN 4.0 để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Nhiều doanh nghiệp đang tự cải tiến mình để trở thành những doanh nghiệp thông minh. Theo đó, các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán… Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch như Vietravel, Saigontourist, Thiên Minh Group, Hanoitourist, Benthanhtourist…

Tripi.vn
Sàn giao dịch du lịch đầu tiên tại Việt Nam
(Nguồn: https://www.tripi.vn)


Năm 2016, sàn giao dịch du lịch trực tuyến (Tripi) đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay. Đặc biệt, Tripi còn cho phép khách hàng tìm kiếm, so sánh giá các sản phẩm du lịch và cập nhật chính xác 24/24 tình trạng sản phẩm. iVIVU (ivivu.com) cũng là một trong những sàn giao dịch du lịch lớn, cho phép khách du lịch tìm kiếm thông tin, so sánh, lựa chọn và thực hiện các giao dịch đặt tour, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn với hơn 300 tour du lịch, hơn 5.000 khách sạn tại Việt Nam và 345.000 khách sạn toàn thế giới để du khách lựa chọn; mỗi tháng ivivu.com thu hút lượng truy cập tới 10 triệu lượt. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng hơn 10 sàn giao dịch du lịch. Đây là những điểm nhấn quan trọng của các doanh nghiệp du lịch Việt về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh.


2. Khách du lịch thông minh

Theo thống kê của của WeAreSocial (wearesocial.com) năm 2018, toàn thế giới có 4,02 tỷ người dùng internet (chiếm 53% trong 7,59 tỷ dân), gần 3,2 tỷ người dùng mạng xã hội, hơn 5,1 tỷ người dùng điện thoại di động (chiếm 68% dân số) trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh có kết nối và sử dụng internet. Ở Việt Nam với 96,02 triệu dân thì có đến 64 triệu người sử dụng internet (chiếm 67% dân số), 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 57%), hơn 70 triệu người dùng điện thoại di động (chiếm 73%). Nếu tính theo tỷ lệ dân số trưởng thành thì có 97% dân số trưởng thành sử dụng điện thoại di động, 72% sử dụng điện thoại thông minh, 43% sử dụng máy tính để bàn hoặc laptop, 13% sử dụng máy tính bảng. Điều này cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng internet và thiết bị thông minh trên thế giới và ở Việt Nam là rất lớn.

Thống kê sử dụng công nghệ tại Việt Nam
Thống kê sử dụng công nghệ số ở Việt Nam năm 2018
(Nguồn: https://wearesocial.com/blog/2012/10/social-digital-mobile-vietnam)
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%, trong đó 70% khách sử dụng các dịch vụ trực tuyến ở độ tuổi dưới 35. Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Các số liệu thống kê cho thấy, khách du lịch sử dụng internet, các tiện ích thông minh, các thiết thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến… ngày càng có xu hướng gia tăng. Họ đang trực tiếp trở thành những vị “khách du lịch thông minh” - nhân tố quan trọng của du lịch thông minh.

Trong thời gian qua, mặc dù ngành Du lịch của Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp phát triển du lịch theo hướng thông minh, tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, một số hạn chế lớn nhất phải kể đến bao gồm: chưa có chính sách và mô hình cụ thể về du lịch thông minh; mức độ sẵn sàng cho phát triển du lịch thông minh chưa cao; trình độ khoa học và công nghệ còn hạn chế; sự tiếp cận của doanh nghiệp với du lịch thông minh còn yếu…

3. Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam


Để phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách cho phát triển du lịch thông minh


Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm ban hành văn bản cụ thể, quy định, hướng dẫn chi tiết về phát triển du lịch thông minh để định hướng cho ngành Du lịch và các địa phương trong việc triển khai thực hiện. Cơ quan quản lý du lịch các cấp cần sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch thông minh, có lộ trình và bước đi phù hợp. Ngoài ra, cần hoàn thiện hơn nữa thể chế chính sách liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng, như: các chính sách về phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thủ tục hành chính điện tử, phát triển giao thông thông minh, đô thị thông minh, quản lý năng lượng thông minh… để đồng bộ với thể chế chính sách về phát triển du lịch thông minh.

Xác định mô hình và triển khai thí điểm


Phát triển du lịch thông minh là định hướng chiến lược nhất quán của Đảng và Chính phủ, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, không phải phát triển du lịch thông minh bằng mọi giá, không nhất thiết địa phương nào cũng phải phát triển du lịch thông minh. Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ, tài nguyên và tiềm năng du lịch…, cần xác định có trọng tâm, trọng điểm một số địa phương triển khai thí điểm mô hình du lịch thông minh. Đồng thời, gắn phát triển du lịch thông minh với phát triển đô thị thông minh, do du lịch là ngành tổng hợp gắn kết với các ngành, lĩnh vực khác, du lịch thông minh là một bộ phận của đô thị thông minh, cùng với giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, quản lý năng lượng thông minh, quản lý nhà nước thông minh (Chính phủ điện tử)… Có thể lựa chọn 3 hoặc 5 địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đang đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế làm mô hình thí điểm cho phát triển đô thị thông minh và du lịch thông minh. Việc xác định rõ mô hình và triển khai thí điểm sẽ giúp Trung ương và địa phương tập trung được nguồn lực cho phát triển du lịch thông minh, tránh thực hiện dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực. Kết quả của một số mô hình thí điểm này sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá để ngành Du lịch và các địa phương còn lại học hỏi, rút kinh nghiệm, phát huy tốt hơn cho những lần triển khai kế tiếp.

Chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông theo hướng ứng dụng cho ngành Du lịch, tạo nền tảng công nghệ cho du lịch thông minh


Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có cơ chế, chỉ đạo, ưu tiên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học tiên tiến cho ngành Du lịch. Cần xác định và ưu tiên đầu tư cho các hạng mục công nghệ quan trọng hỗ trợ phát triển du lịch thông minh, bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu (database) và dữ liệu lớn (big data) cho ngành Du lịch; đầu tư cho hạ tầng công nghệ - đặc biệt là hạ tầng phần cứng và hạ tầng mạng; đầu tư sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo, internet vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo trong sản xuất các tour ảo, quản lý khách sạn thông minh, quản lý năng lượng thông minh, quản lý điểm đến thông minh; nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D, công nghệ GIS và WebGIS trong quản lý và phát triển điểm đến, xây dựng bản đồ du lịch điện tử hiện đại, bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích...

Phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin - truyền thông và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ


Việt Nam chưa phải là quốc gia mạnh về công nghệ, do đó cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ với các nước phát triển để học hỏi kinh nghiệp, nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ với phát triển du lịch thông minh, hợp tác chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư phát triển công nghệ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực ngoài trình độ chuyên môn về du lịch phải có khả năng đáp ứng yêu cầu sử dụng và vận hành công nghệ, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh; thu hút nhân tài có trình độ cao về công nghệ thông tin - truyền thông vào làm việc trong ngành, đảm nhiệm công tác chuyên trách về du lịch thông minh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh


Nâng cao nhận thức của người dân về du lịch thông minh, tuyên tuyền sâu rộng nâng cao nhận thức của cộng đồng về các hoạt động du lịch trực tuyến, những ưu điểm và những tồn tại, bất cập của nó để người dân hiểu, có những hoạt động tích cực, “thông minh”, tránh bị lợi dụng, lừa đảo. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, tiếp cận du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý, từng bước điện đại hóa ngành Du lịch…

Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, nó sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành Du lịch của Việt Nam và Du lịch thế giới. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thông minh cần phải có những điều kiện và tiền đề nhất định - nền tảng cốt yếu của nó là ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông với ngành du lịch. Vì thế, muốn phát triển du lịch thông minh, trước hết phải có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nó, phải hiểu được bản chất và nắm được quy luật vận động, phát triển của nó.

          TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Chỉ thị số 58-CT/TW về Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
[2]. Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 36-NQ/TW về Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

[3]. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2015), Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

[4]. Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg ngày 04/5/2017 của về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

[5]. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 08-NQ/TW về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

[6]. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2017), Nghị định số 07/NĐ-CP Quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

[7]. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2017), Nghị quyết số 124/NQ-CP về việc Bổ sung danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử.

[8]. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Quyết định số 3728/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành kế hoạch tổng thể ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Bộ VHTT&DL giai đoạn 2016-2020.

[9]. Bộ Thông tin truyền thông, Hội tin học Việt Nam (2018), Báo cáo tóm tắt chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (VN ICT Index 2018), Nxb Thông tin Truyền thông, HN.

[10]. Taiwan Tourism Bureau (2018), The Heart of Asia, Publishing rights of Tourism Bureau, Ministry of Transport, Taiwan, ISBN 978-986-05-5407-6.
[11]. Wearesocial website: https://digitalreport.wearesocial.com/ 

(Tạp chí Du lịch số 1+2, 2019, tr.88-90)
TS. Lê Quang Đăng
(0987860183 - dangquangleorv@gmail.com) 
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang