Huyện
đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang nằm trong Vịnh Thái Lan thuộc vùng biển Tây Nam của
Việt Nam, có diện tích khoảng 30 km2, dân số khoảng hơn 25.000 người.
Huyện đảo Kiên Hải có 4 xã gồm: Hòn Tre (trung tâm hành chính huyện), Lại Sơn,
An Sơn và Nam Du. Có 23 hòn đảo lớn nhỏ, phân bố thành ba cụm đảo và quần đảo,
gồm: Quần đảo Nam Du (21 đảo, thuộc hai xã An Sơn và Nam Du), đảo Hòn Sơn và đảo
Hòn tre. Đảo xa nhất cách bờ biển Rạch Giá 65 hải lý (khoảng 120 km).
|
Một góc Hòn Củ Tron, xã đảo An Sơn - Kiên Hải - Kiên Giang |
Huyện
đảo Kiên Hải sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng và đặc sắc. Tài nguyên du lịch tự
nhiên biển, đảo, núi, rừng khá phong phú, với nhiều hòn đảo, bãi biển đẹp được
khách du lịch biết đến như: Bãi
Chén (Hòn Tre), Bãi Bàng (Lại Sơn), Bãi Cây Mến (An Sơn), Hòn Dầu (Nam Du); những đỉnh núi như: Đỉnh Đá Đài (Hòn
Tre), đỉnh Ma Thiên Lãnh (Lại Sơn), đỉnh Rađa (An Sơn). Tài nguyên du lịch văn hóa khá đặc sắc, văn
hóa thờ cúng thần cá, thần biển gắn với các lễ hội dân gian truyền thống mang đặc
trưng của ngư dân vùng biển: Lăng
Ông Nam Hải (Lại
Sơn); Dinh Nam Hải Ngư Thần (Hòn
Củ Tron, xã An Sơn), Dinh
thờ cá Ông (Hòn Tre),...
|
Những bãi biển xanh trong, cát trắng, nắng vàng |
|
Những rặng dừa và rừng tự nhiên xanh ngút ngát |
|
Những bãi đá nhấp nhô kỳ vỹ |
|
Một số khách du lịch ví nơi đây như Thiên đường Maldives ở Việt Nam |
Với tài nguyên du
lịch phong phú đa dạng, vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng, Kiên Hải ngày càng thu hút
nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Số lượng khách du lịch
đến Kiên Hải tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Năm 2016, Kiên Hải đón 113.000
lượt khách; đến năm 2017 con số này đã tăng lên 194.290 lượt và năm 2018 là
271.450 lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt xấp xỉ 55%/năm. Ước
tính năm 2019, Kiên Hải sẽ đón trên 300.000 lượt khách. Chỉ tính riêng Hòn Củ
Tron (xã An Sơn) và Hòn Sơn (xã Lại Sơn), từ đầu năm 2019 đến nay trung bình mỗi
ngày hai điểm này đón khoảng 700 đến hơn 1.000 lượt khách/ngày.
Nhìn chung, huyện đảo Kiên Hải có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
Đặc biệt, giá trị tài nguyên du lịch nơi đây còn giữ được tính nguyên sơ,
nguyên bản. Đây là lợi thế rất lớn để khai thác phát triển du lịch theo hướng
tăng trưởng xanh. Tuy
nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, còn một số vấn đề đang đặt ra, như: hiệu quả
khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch chưa cao; cơ sở vật chất kỹ thuật
và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; công tác quản lý các hoạt
động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống còn nhiều bất
cập; vấn đề rác thải và xử lý rác thải đang đặt ra thách thức to lớn cho chính
quyền và nhân dân huyện đảo;...
Để phát triển du
lịch huyện đảo Kiên Hải theo hướng tăng trưởng xanh, đòi hỏi các cấp chính quyền
phải có kế hoạch, lộ trình và có những hành động tích cực, đúng đắn nhằm
khai thác phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng hiện có; phát triển du lịch
gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và văn hóa; bảo vệ
môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời,
cần tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch, tránh khai
thác tài nguyên tự phát, tránh xả thải trực tiếp ra môi trường, tránh các hoạt
động xây dựng “bê tông hóa” tự phát, tránh các hoạt động kinh doanh phi pháp, lừa
đảo, đầu cơ, “chặt chém” khách du lịch, gây mất hình ảnh du lịch về những hòn đảo
thơ mộng này./.
Bài và ảnh: Lê Quang Đăng
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét