Tăng trưởng xanh hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là trọng tâm chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ những năm 2012 và được triển khai mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực cụ thể. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là định hướng chiến lược quan trọng, là con đường duy nhất để phát triển du lịch Việt Nam bền vững.


 Du lịch xanh gắn với cộng đồng tại Đồng Tháp - Ảnh: Tác giả

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam hiện nay

Du lịch Việt Nam đang có bước phát triển nhanh chóng, đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong khoảng vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh luôn kéo theo những hệ lụy nhất định, tiềm ẩn những nguy cơ mất cân đối có thể dẫn đến phát triển kém bền vững. Cụ thể, trong những năm qua đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập trong quá trình phát triển du lịch như: công tác quy hoạch, khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch ở nhiều nơi thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng đến giá trị tài nguyên và cảnh quan tự nhiên; sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của các điểm đến, gây ra tình trạng “vỡ trận” ở nhiều khu du lịch trọng điểm; ô nhiễm môi trường, xả thải từ các hoạt động du lịch ngày càng gia tăng; biến đổi khí hậu cùng với các vấn đề toàn cầu đã gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch;... Phát triển du lịch nhanh nhưng phải “đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” là tiêu chí của phát triển du lịch bền vững. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là nội dung cốt lõi của phát triển du lịch bền vững. Vì thế, phát triển du lịch Việt Nam trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu cấp thiết, cần được triển khai thực hiện quyết liệt trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.

Giai đoạn 2011 - 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng bình quân 14,5%/năm, đạt mức cao nhất 15,5 triệu lượt khách năm 2018, khách nội địa tăng bình quân 15%/năm đạt mức cao nhất 80 triệu lượt khách năm 2018; tổng thu từ khách du lịch tăng trưởng bình quân 25%/năm, đạt mức cao nhất 620.000 tỷ đồng (27 tỷ USD) năm 2018, đóng góp khoảng 8,1% vào GDP của nền kinh tế.

- Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch, 2019 -

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đã được định hướng trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng: “Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường” (Chính phủ, 2011). Nghị quyết số 08-NQ/TW khẳng định quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội” (Bộ Chính trị, 2017). Luật Du lịch cũng xác định nguyên tắc phát triển du lịch phải “gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên” (Quốc hội, 2017).

“Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là sự phát triển dựa trên cơ sở điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, chất lượng, nhằm khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên và các nguồn lực cho phát triển du lịch; thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch xanh, phục vụ tiêu dùng du lịch xanh; giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển du lịch; đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, với mục tiêu phát triển du lịch cho con người và vì con người”.

- Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2019 -

Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Tổng cục Du lịch đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản quản lý liên quan đến du lịch xanh và phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, đồng thời, cũng đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động trong thực tế. Cụ thể: Năm 2012, Bộ VHTT&DL đã ban hành Bộ tiêu chí “Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh”; năm 2013, Tổng cục Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí “Nhãn Du lịch xanh”; năm 2017, Bộ VHTT&DL tổ chức “Tuần văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”; năm 2018, Bộ VHTT&DL triển khai thực hiện trương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ: “Phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”; năm 2019, Hiệp Hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM 2019 tại Hà Nội, với chủ đề “Du lịch Xanh”.

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cũng đã được nhiều địa phương của Việt Nam quan tâm, nỗ lực thúc đẩy. Điển hình như:

Quảng Ninh triển khai thực hiện Dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long giai đoạn 2015 - 2019, với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và đối với du lịch nói riêng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang thực thi nhiều giải pháp nhằm đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các chủ dự án đầu tư phát triển du lịch ngay trong khâu thiết kế phải đặt bảo vệ môi trường sinh thái lên hàng đầu. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch; mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Du lịch, Luật Môi trường và các nghị định hướng dẫn cho cộng đồng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; khôi phục và mở rộng diện tích cây xanh, thảm thực vật vùng ven biển; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường;...

Thừa Thiên - Huế là địa phương sở hữu tài nguyên du lịch đẹp - thơ mộng - cổ kính, rất có lợi thế cho phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Ngay từ những năm 2012, Huế đã có kế hoạch phát triển “du lịch di sản xanh”. Các mô hình du lịch thân thiện với môi trường và cảnh quan tự nhiên được áp dụng mạnh ở Huế như: du lịch cộng đồng gắn với môi trường, du lịch di sản gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với tham quan thắng cảnh tự nhiên, du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử gắn với các di sản thế giới,... Ngoài ra, Huế cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên, coi bảo tồn là tiền đề và điều kiện cho phát triển du lịch bền vững.

Đà Nẵng lại tiếp cận phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ góc độ tổng thể: phát triển thành phố thông minh và đô thị xanh. Theo đó, Đà Nẵng tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh cho giao thông và đô thị, áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phủ xanh thành phố bằng việc tăng cường phát triển cây xanh, hạn chế bê tông hóa; phát triển các tòa nhà thông minh, công trình thông minh và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng;... 


                    Bên trong khách sạn nghỉ dưỡng Fusion Maia - Đà Nẵng - Ảnh: Tác giả

Ngoài ra, rất nhiều địa phương khác cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang,...

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đang tích cực chuyển hướng kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Điển hình như:

Flamingo Group là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh như Flamingo Đại Lải Resort, Flamingo Cát Bà Beach Resort,... Với tiêu chí “sống sang trọng giữa thiên nhiên”, các thiết kế của Flamingo đều theo hướng thân thiện với thiên nhiên và môi trường, hơn 60% cảnh quan tự nhiên được tôn trọng lồng ghép trong các công trình nhân tạo. Nội thất cũng theo hướng sử dụng vật liệu từ tre và gỗ thay cho các chất liệu bê tông, nhựa và kim loại.

Công ty Exotissimo là công ty liên doanh du lịch nước ngoài đầu tiên hoạt động lữ hành quốc tế tại Việt Nam, thành lập năm 1993. Exotissimo cũng hướng theo tiêu chí kinh doanh “du lịch có trách nhiệm để hướng tới tương lai bền vững”. Các hoạt động thiết thực được Exotissimo triển khai trong kinh doanh như: chiến dịch nói không với đồ nhựa; chương trình làm đầy lại chai nước (tái sử dụng, hạn chế sản phẩm dùng một lần); không phân phối và sử dụng các sản phẩm không tái chế; chính sách thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã; sử dụng các phương tiện mới ít gây ô nhiễm; thiết lập quy tắc tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy các tour du lịch thân thiện với môi trường,... Với những nỗ lực phát triển du lịch xanh và du lịch bền vững, Exotissimo đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như: PATA Gold Awards, Travelife, ChildSafe Network, CCI France,... .

Topas Ecolodge Sapa (Lào Cai) được đánh giá là “thiên đường nghỉ dưỡng trên mây” tại Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Trong hoạt động kinh doanh của mình, Topas Ecolodge đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm hướng đến phát triển bền vững như: tiết kiệm năng lượng bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời; có trách nhiệm bảo vệ môi trường bền vững bằng việc hạn chế sử dụng một lần đối với các sản phẩm từ nhựa, xây dựng hệ thống tự xử lý nước thải và lò thiêu rác; có trách nhiệm với sự phát triển bền vững của xã hội bằng việc gây quỹ từ thiện, hỗ trợ các trường học, gây quỹ cho trẻ sơ sinh, phẫ
u thuật nụ cười, thúc đẩy thể thao,...

Ngoài ra, còn có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch trong cả nước đã và đang có những đóng góp tích cực cho phát triển du lịch theo hướng bền vững, xanh hóa các hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp du lịch có vai trò quan trọng trong sản xuất các “dịch vụ du lịch xanh”, tạo nên xu hướng “tiêu dùng du lịch xanh”, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

  Topas Ecolodge Sapa - Ảnh: Tác giả

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được trong quá trình thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Cụ thể:

- Đối với quản lý nhà nước về du lịch: “Phát triển bền vững”, “tăng trưởng xanh” là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, hướng dẫn triển khai thực hiện nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Trong lĩnh vực du lịch, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh còn rất thiếu; cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện trên thực tế chưa được đẩy mạnh. Công tác nghiên cứu về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh chưa nhiều, chưa có kết quả cụ thể; chưa xác định được mô hình chung về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cấp độ Ngành và chưa có mô hình cụ thể cho từng vùng, từng địa phương. Công tác quản lý và thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở các địa phương có nhiều khác biệt, thiếu tính thống nhất, kết nối, đồng bộ.

- Đối với kinh doanh du lịch: Bên cạnh những doanh nghiệp du lịch “có trách nhiệm”, hoạt động tích cực hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, ít quan tâm đến bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tình trạng kinh doanh trái phép, xây dựng trái phép, kinh doanh bất động sản “núp bóng” du lịch, “bê tông hóa” các khu, điểm du lịch,... đã gây tổn hại không nhỏ đến tài nguyên và cảnh quan tự nhiên. Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, thiếu hệ thống xử lý chất thải, nước thải của các doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh lưu trú và dịch vụ ăn uống, đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng tại các khu, điểm du lịch. Thêm vào đó, hệ thống doanh nghiệp du lịch của Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính ít nên khả năng đầu tư cho ứng dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ kinh doanh, tiết kiệm năng lượng, áp dụng các mô hình, quy trình trình quản lý và xử lý chất thải hiện đại hầu như không có; kinh phí đầu tư cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động về du lịch xanh, chương trình bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội,... cũng bị hạn chế.

- Đối với khách du lịch và cộng đồng: Lượng khách du lịch tăng đột biến trong vài năm trở lại đây đã dẫn đến tình trạng vượt quá sức chịu tải của một số điểm đến, gây sức ép rất lớn đến môi trường. Ghi nhận năm 2015 là năm khởi đầu của sự gia tăng lượng khách với mức tăng trưởng đạt 40,1% so với năm 2014 và liên tục tăng cao trong các năm tiếp theo. Đến năm 2018, tổng lượt khách du lịch của Việt Nam đạt 95,5 triệu lượt, tăng gấp đôi lượt khách năm 2014. Thêm vào đó, cơ cấu khách du lịch của Việt Nam cũng thiếu bền vững (khách nội địa chiếm 83,8%/tổng lượt khách, khách Trung Quốc chiếm 32%/tổng lượt khách quốc tế năm 2018). Sự gia tăng lượng khách đã kéo theo tình trạng gia tăng rác thải, ô nhiễm môi trường, gây khó khăn cho công tác quản lý tại các điểm đến. Thêm vào đó, ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch còn rất kém, minh chứng cụ thể là tại các điểm đến du lịch ngập rác thải trong mùa cao điểm du lịch hoặc mỗi khi kết thúc các kỳ nghỉ lễ.

Định hướng, giải pháp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam

Để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể:

- Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Ban hành các văn bản pháp quy cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp Trung ương và địa phương. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các mô hình, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng trên phạm vi cấp vùng, cấp địa phương và cho từng khu, điểm du lịch cụ thể, từ đó tạo sự đồng bộ, thống nhất, kết nối trong toàn ngành. Có cơ chế, chính sách thích hợp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường bền vững trong quá trình phát triển du lịch. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cảnh báo sớm và có phương án khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

- Thứ hai: Khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch phải tuân thủ nguyên tắc “tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường”, “phát triển du lịch thân thiện với môi trường”; “không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá”. Do đó, công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường. Thực hiện nghiêm chỉnh việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động.

- Thứ ba: Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường, có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần và các sản phẩm làm từ vật liệu không tái chế; có trách nhiệm với xã hội, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa bản địa tại các điểm đến, bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ, có các chương trình từ thiện,...

- Thứ tư: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm đến về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; không xả rác bừa bãi, xả rác đúng nơi quy định; hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần (chai nhựa, cốc nhựa, túi nylon, ống hút,...); chung tay dọn rác tại khu, điểm du lịch.

- Thứ năm: Có chế tài xử phạt nặng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại đến tài nguyên và môi trường du lịch, vi phạm pháp luật về du lịch và các luật, bộ luật, các quy định của Nhà nước liên quan đến du lịch. Có hình thức tuyên dương khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức có sáng kiến và nhiều cống hiến trong phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017, Hà Nội.

2. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011, Hà Nội.

3. Hiệp hội Du lịch Việt Nam (2019), Kỷ yếuDiễn đàn Du lịch xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM 2019, Hà Nội.

4. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/QH14, ngày 19/6/2017, Hà Nội.

5. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2018), Kỷ yếu Hội thảo “Du lịch với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam”, Hà Nội.

 TS. Nguyễn Anh Tuấn[1], TS. Lê Quang Đăng[2]



[1] Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

[2] Phó Trưởng phòng Nghiên cứu CLCS&MT Du lịch - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (0987860183 - dangquangleorv@gmail.com) .

Tổng số lượt xem trang