Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/01/2019. Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có độ mở cao, CPTPP được đánh giá sẽ tác động mạnh đối với kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và đối với từng ngành, lĩnh vực nói riêng, trong đó có du lịch. Bài viết này tập trung phân tích, đánh giá tác động của CPTPP đối với một số khía cạnh cụ thể của ngành du lịch như: chính sách du lịch, đầu tư du lịch, doanh nghiệp du lịch, lao động và việc làm du lịch, thị trường du lịch. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách với ngành du lịch trước tác động của Hiệp định. 

Từ khóa: CPTPP, du lịch, FTA, Hiệp định

 1. Giới thiệu về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Từ một “Hiệp định 3 đối tác kinh tế chặt chẽ hơn” (P3) được ký kết giữa Chile, New Zealand Singapore trong khuôn khổ APEC 2002 tại Mexico; trải qua 14 năm, sau hơn 20 vòng đàm phán chính thức và phi chính thức, ngày 04/02/2016, tại Auckland - New Zealand, 12 quốc gia trong đó có Việt Nam đã chính thức ký kết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, một năm sau đó, Mỹ bất ngờ rút khỏi Hiệp định. Trong khuôn khổ APEC 2017 tại Đà Nẵng - Việt Nam, 11 thành viên còn lại của TPP đã nhất trí tiếp tục duy trì Hiệp định với tên gọi mới: “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP). Ngày 8/3/2018, tại Santiago de Chile - nước cộng hòa Chi-lê, 11 nước thành viên đã chính thức ký kết CPTPP. Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thông qua Hiệp định (Nghị quyết số 72/2018/QH14). Ngày 14/01/2019, sau 60 ngày được Quốc hội phê chuẩn, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tính “toàn diện” và “tiến bộ”, tác động bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Không đơn thuần chỉ là những quy định và cam kết trong lĩnh vực thương mại, CPTPP bao hàm cả những quy định, cam kết thuộc những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã (chương 20); chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp, nghiêm cấm lao động trẻ em (chương 19); khuyến khích và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chương 24); minh bạch hóa và chống tham nhũng (chương 26); vai trò của phụ nữ với phát triển (chương 23).

Nội dung của CPTPP tại văn bản được ký kết ngày 8/3/2018 tại Santiago de Chile gồm 01 Lời mở đầu, 7 Điều và 01 Phụ lục. Văn bản này chủ yếu khẳng định lại tầm quan trọng và những nội dung đã được ký kết tại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Theo đó, các Bên nhất trí tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thành một phần của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, ngoại trừ 20 nghĩa vụ tạm hoãn (tạm đình chỉ thực hiện cho đến khi các Bên đồng ý kết thúc việc tạm đình chỉ thực hiện một hay nhiều hơn các điều khoản đó). Như vậy, nội dung của CPTPP về cơ bản kế thừa gần như toàn bộ nội dung của TPP với 30 chương, 493 Điều và 9 Phụ lục. Các Chương, Điều, Khoản của Hiệp định được đánh giá sẽ có tác động đối với ngành du lịch như: Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hoá (Chương 2); Quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại (Chương 5); Đầu tư (Chương 9); Thương mại dịch vụ xuyên biên giới (Chương 10); Chính sách cạnh tranh (Chương 16); Lao động (Chương 19) Nâng cao sức cạnh tranh (Chương 22); Phát triển (Chương 23); Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chương 24); Minh bạch hoá và chống tham nhũng (Chương 26).

Ngoài những nội dung chính của Hiệp định, tại Phụ lục I - NCM và Phụ lục 2 - NCM, Việt Nam đã có những cam kết và thể hiện các biện pháp không tương thích được bảo lưu đối với một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể:

- Những cam kết đối với du lịch:

(1) Kinh doanh lữ hành quốc tế: Chỉ được đầu tư nước ngoài để cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần của dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam.

(2) Hướng dẫn viên du lịch: Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến dịch vụ hướng dẫn viên du lịch.

- Những cam kết đối với một số lĩnh vực có liên quan đến du lịch:

(1) Đối với các dịch vụ vận tải hàng không: Việt Nam bảo lưu quyền duy trì hoặc ban hành bất kỳ biện pháp nào liên quan đến dịch vụ bay đặc biệt (ngoại trừ đào tạo bay thương mại); điều hành mặt đất; dịch vụ vận hành sân bay. Tổng vốn góp hoặc cổ phần nắm giữ của nước ngoài bị hạn chế ở mức dưới 30% tổng số vốn điều lệ hoặc cổ phần của một hãng hàng không Việt Nam.

(2) Đối với dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển: Không được đầu tư nước ngoài để cung cấp dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển ngoại trừ thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam, với phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt quá 49%.

(3) Đối với các dịch vụ giải trí:  Không được đầu tư nước ngoài để cung cấp dịch vụ giải trí theo mã CPC 9619 (bao gồm nhà hát, nhạc sống và xiếc) ngoại trừ thông qua liên doanh hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt quá 49 phần trăm. Đầu tư nước ngoài dưới 1 tỷ USD trong lĩnh vực xây dựng và quản lý công viên giải trí hoặc công viên chủ đề sẽ không được chấp thuận trừ khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thông báo cho người nộp đơn là khoản đầu tư đó mang lại lợi ích cho Việt Nam. Đầu tư trên 1 tỷ USD sẽ không chịu quyết định này.

(4). Đối với các dịch vụ phân phối, mua sắm: Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến việc thành lập và quản lý sàn giao dịch hàng hóa. Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến chợ truyền thống.

(5). Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa: Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc lựa chọn địa điểm sản xuất và các vấn đề pháp lý liên quan, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu và cung cấp thông tin về công nghệ và trang thiết bị, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiếp thị và cung cấp thông tin xúc tiến thị trường.

2. Du lịch Việt Nam trước và sau khi CPTPP có hiệu lực

Trước khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, du lịch Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, chuyển biến tích cực cả về chất và lượng.

Giai đoạn 2011 - 2018, tốc độ tăng trưởng khách du lịch khá cao, bình quân đạt khoảng 14,5%/năm đối với khách quốc tế, 15% đối với khách nội địa. Năm 2018, ngành du lịch đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế (gấp hơn 2,5 lần so với năm 2011), phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa (gấp 2,7 lần năm 2011) (Hình 1). Đông Bắc Á là thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất, chiếm đến 64,9% tổng lượng khác quốc tế đến Việt Nam (năm 2018). Trung Quốc luôn đứng đầu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam (với gần 5 triệu lượt khách năm 2018) còn Hàn Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất (đạt bình quân 30,6%/năm giai đoạn 2011 - 2018).

Tổng thu từ khách du lịch cũng tăng lên đáng kể, từ 130 nghìn tỷ đồng năm 2011 tăng lên 620 nghìn tỷ đồng năm 2018 (Hình 2), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25%/năm. Nếu như năm 2011, ngành du lịch mới chỉ đóng góp khoảng 3,1% vào GDP thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên khoảng 8,1%.

Cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên nhanh chóng, năm 2011, Việt Nam mới có 13.756 cơ sở lưu trú với 256.739 buồng, đến năm 2018, con số này đã tăng lên 28.000 cơ sở với 550.000 buồng (gấp hơn 2 lần là về số cơ sở và số buồng lưu trú), qua đó đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Ngày 14/01/2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Năm 2019 cũng là năm rất thành công của du lịch Việt Nam, ngành du lịch đã đón được hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,1% so với năm 2018), phục vụ khoảng 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6,25% so với năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 726.000 tỷ đồng (tăng 14,6% so với năm 2018), đóng góp của du lịch vào GDP đạt khoảng 9,2% (tăng 1,1% so với năm 2018).

Số lượng cơ sở lưu trú du lịch năm 2019 tăng lên 30.000 cơ sở, với 650.000 buồng. Hệ thống cơ sở lưu trú ngày càng được hoàn thiện, ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Năng lực cạnh tranh của ngành du lịch ngày càng được nâng cao. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 17 bậc so với năm 2011.

Năm 2019, ngành du lịch nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới như: “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”; “Điểm đến hàng đầu châu Á”; “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á”.


Như vậy, sau khi CPTPP có hiệu lực 1 năm, ngành du lịch tăng trưởng ổn định, tiếp đà phát triển từ các năm trước đó. Tuy nhiên, năm 2020 đại dịch toàn cầu Covid-19 đã tác động rất lớn đối với du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Các chỉ tiêu tăng trưởng đều bị sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính năm 2020, ngành du lịch chỉ đón được khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế (giảm 79,4% so với năm 2019),  phục vụ khoảng 49 triệu lượt khách nội địa (giảm 42,3% so với năm 2019), tổng thu từ khách du lịch có thể chỉ đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng (bằng tổng thu từ khách du lịch của năm 2013), thiệt hại khoảng 23 tỷ USD (tương đương khoảng 530.000 tỷ đồng). (Hình 1 và 2).

3. Những tác động của CPTPP đối với ngành du lịch

Hiệp định CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam gần 2 năm, trong đó, năm 2020 ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất lớn do tác động của đại dịch Covid-19, những đánh giá về tác động của CPTPP đối với ngành du lịch trong năm này không rõ ràng. Tuy nhiên, CPTPP bước đầu đã có những tác động nhất định đối với ngành du lịch.

a) Đối với chính sách phát triển du lịch

Ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 701/QĐ-BVHTTDL ngày 28/2/2019 triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Theo kế hoạch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của ngành để đưa ra đề xuất, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với cam kết CPTPP.

Hiện tại, chưa có chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nào của ngành du lịch phải sửa đổi, bổ sung, thay thế ngay do yêu cầu của CPTPP. Tại danh mục các Bộ luật, Luật được sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP (Nghị quyết số 72 /2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP), Luật Du lịch không thuộc diện phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, rất nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của các ngành, lĩnh vực có liên quan đến du lịch phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với CPTPP như: Bộ luật Lao động, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp, Luật An toàn thực phẩm, Luật Sở hữu trí tuệ,... và một số văn bản quy phạm pháp luật như: sửa đổi Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh 2018; bổ sung Nghị định hướng dẫn riêng đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP và chỉ áp dụng đối với các nước CPTPP; Nghị định ban hành biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của CPTPP; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định cơ quan đầu mối để thực thi các Chương của Hiệp định CPTPP; Nghị định quy định xác minh xuất xứ đối vi hàng hóa nhập khẩu, hợp tác hải quan và giám sát hải quan (theo Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Như vậy, trước mắt CPTPP chưa có tác động nhiều đối với chính sách, pháp luật của ngành du lịch, tuy nhiên, CPTPP là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có độ mở rất cao. Trong quá trình triển khai thực hiện Hiệp định, những vấn đề phát sinh hoặc những vấn đề mới có thể tiếp tục được đàm phán để điều chỉnh cho phù hợp. Vì thế, trong thời gian tới, ngành du lịch có thể sẽ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới một số chính sách, cơ chế để tương thích với các quy định và cam kết của CPTPP.

b) Đối với đầu tư phát triển du lịch

Tính đến hết năm 2019, cả nước đã khoảng 839 dự án FDI với tổng số vốn gần 12 tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống; 135 dự án FDI với tổng số vốn gần 3,4 tỷ USD trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Tổng số vốn đầu tư vào hai lĩnh vực nêu trên là 15,4 tỷ USD, bằng 4,2% tổng số vốn FDI tại Việt Nam. Tính riêng năm 2019, có 103 dự án có giấy phép cấp mới về lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp là 489 USD; 6 dự án mới về lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi giải trí với tổng vốn đăng ký là 62 triệu USD.

Hiện tại, đã có 9/10 nước CPTPP có dự án đầu tư tại Việt Nam (ngoại trừ Peru). Trong đó, Nhật Bản và Singapore là hai nước dẫn đầu về số vốn FDI, tiếp theo là Malaysia, Úc, New Zealand, Canada. Các lĩnh vực du lịch nhận đầu tư FDI lớn nhất gồm: dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp, nhà hàng ăn uống, trung tâm thương mại, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Các địa phương đang thu hút FDI mạnh nhất gồm: Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang).

Như vậy, CPTPP đã bước đầu có những tác động nhất định đối với đầu tư FDI cho ngành du lịch Việt Nam. Các dòng vốn FDI đến từ các nước CPTPP đã xuất hiện tại Việt Nam và dự kiến sẽ tăng lên mạnh mẽ trong thời gian tới do những quy định và cam kết thuận lợi về thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên tại Hiệp định.

c) Đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch

Đối với doanh nghiệp kinh doanh lưu trú: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã có khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh lưu trú, bao gồm các doanh nghiệp nội và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện tại, đã có rất nhiều doanh nghiệp của các nước thành viên CPTPP đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh lưu trú tại Việt Nam, đơn cử như tập đoàn Route Inn Group, tập đoàn Super Hotel, tập đoàn Azumaya Hotel, chuỗi khách sạn Nikko (Nhật Bản); tập đoàn khách sạn Manhatton Hotel Group (Singapore),... Luật Du lịch và các cam kết của Việt Nam tại CPTPP không hạn chế đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú và ăn uống. Vì thế, đây là lĩnh vực có thể sẽ thu hút số lượng lớn doanh nghiệp kinh doanh lưu trú từ các nước CPTPP đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành: Năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng hơn 500 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và khoảng 2.667 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (bao gồm cả doanh nghiệp nội và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Trong đó, loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng rất thấp - khoảng 1,4%, trong khi loại hình doanh nghiệp TNHH chiếm 62,4%, công ty cổ phần chiếm khoảng 36,3%.

Luật Du lịch hiện hành và các cam kết của Việt Nam tại CPTPP có những hạn chế nhất định đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh lữ hành quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), không được kinh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch Việt Nam đi ra nước ngoài (outbound). Tuy nhiên, thực tế  hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam hiện nay khá phức tạp, đang tồn tại những bất cập nhất định. Đã xuất hiện một số hình thức kinh doanh “núp bóng” (doanh nghiệp được thành lập đứng tên người Việt nhưng toàn bộ hoặc phần lớn vốn và điều hành công ty do người nước ngoài thực hiện), hay “kinh doanh chui” (không đăng ký kinh doanh). Các hình thức kinh doanh này bao trọn gói dịch vụ cho khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách từ Việt Nam ra nước ngoài từ khâu vận chuyển, lưu trú, ăn uống, mua sắm và sử dụng các dịch vụ phụ trợ khác. Đây là hình thức kinh doanh và cạnh tranh không bình đẳng, gây ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khác: Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối, bán lẻ (siêu thị) của nhiều nước CPTPP đã xuất hiện tại Việt Nam, trong đó, phải kể đến là các thương hiệu siêu thị nổi tiếng của Nhật Bản như AEON, Fuji Mart, Daiso Japan, Tokyo Mart, Sakuko, hay tập đoàn siêu thị của Singapore - NUTC Fair Price và tập đoàn siêu thị của Úc - Australia Mart.

CPTPP đã có những tác động nhất định đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Với những lợi thế CPTPP mang lại, dự báo trong thời gian tới, số lượng doanh nghiệp đến từ các nước CPTPP sẽ tăng lên tại Việt Nam. Sự xuất hiện các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đến từ các nước CPTPP có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển du lịch Việt Nam, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch, hình thành các sản phẩm đẳng cấp, chất lượng (khách sạn, khu nghỉ dưỡng) đáp ứng nhu cầu của dòng khách thượng lưu, khách quốc tế đến từ các thị trường giàu có như Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, New Zealand, tăng thương hiệu và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện và gia tăng nhà đầu tư nước ngoài cũng ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống doanh nghiệp du lịch nội. Cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Doanh nghiệp du lịch nội chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, yếu thế hơn doanh nghiệp ngoại cả về vốn, năng lực quản lý, trình độ công nghệ, chế độ đãi ngộ lao động,... doanh nghiệp nội được dự báo sẽ gặp bất lợi lớn trong cạnh tranh.

d) Đối với lao động và việc làm du lịch

CPTPP mang lại cả cơ hội và thách thức cho người lao động và việc làm. Những cam kết trong CPTPP mà cốt lõi là cắt giảm hàng rào thuế quan, thực hiện nguyên tắc tự do bình đẳng trong đầu tư và thương mại sẽ đem lại nhiều cơ hội mới về việc làm cho người lao động. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, việc gia nhập CPTPP sẽ tạo ra khoảng 127,30 đến 405,06 nghìn việc làm mới cho lao động Việt Nam. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo từ năm 2020 trở đi, mỗi năm Việt Nam sẽ tạo thêm được 16,5 nghìn đến 27 nghìn việc làm mới.

Năm 2017, Việt Nam có khoảng 750.000 lao động trực tiếp trong tổng số khoảng 2,5 triệu lao động có liên quan đến du lịch. Năm 2019, ước tính lao động ngành du lịch khoảng hơn 3 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 1 triệu lao động trực tiếp. Lao động trong ngành du lịch chủ yếu làm việc trong các cơ sở lưu trú du lịch, chiếm khoảng 70%, lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh lữ hành chiếm khoảng 10%, khối các dịch vụ khác chiếm khoảng 20%.

Khi các doanh nghiệp du lịch ngoại nói chung và doanh nghiệp đến từ các nước CPTPP nói riêng gia nhập thị trường Việt Nam, nhu cầu lao động du lịch sẽ tăng lên. Chất lượng lao động du lịch cũng có thể sẽ thay đổi tích cực do yêu cầu, tiêu chuẩn tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngoại khá khắt khe. Bên cạnh đó, với những quy định của Hiệp định và cam kết cởi mở về lao động giữa các nước thành viên, khả năng dịch chuyển lao động trong nội khối CPTPP là rất lớn, điều này mở ra cơ hội xuất khẩu lao động du lịch của Việt Nam sang các nước CPTPP. Đồng thời, CPTPP cũng tạo cơ hội rất tốt để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đào tạo nghề du lịch với các nước có nền giáo dục và du lịch phát triển như Nhật Bản, Singapore, Canada, Úc. Ngoài ra, rất có thể trong tương lai các nước CPTPP sẽ có những đàm phán, thỏa thuận để hình thành Bộ tiêu chuẩn chung về kỹ năng nghề du lịch và Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong khối CPTPP như cách mà ASEAN đã làm với MRA-TP.

e) Đối với thị trường khách du lịch

Năm 2018, trước khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, ngành du lịch đã đón khoảng 2.239.362 lượt khách đến từ thị trường 6 nước CPTPP, gồm: Nhật Bản (826.674 lượt), Malaysia (540.119 lượt), Úc (386.934 lượt), Singapore (286.246 lượt), Canada (149.535 lượt) và New Zealand (49.854 lượt). 

Năm 2019, sau 1 năm CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, số lượng khách quốc tế đến từ thị trường 6 nước CPTPP đạt 2.454.000 lượt, tăng 9,6% so với năm 2018. Trong đó, có 4 thị trường khách tăng là Nhật Bản (951.000 lượt), Malaysia (606.000 lượt), Singapore (308.000 lượt), Canada (159.000 lượt); có 2 thị trường khách giảm so với năm 2018 la Úc (383.000 lượt) và New Zealand (47.000 lượt). Thị trường các nước CPTPP chiếm 13,6% tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 (Hình 3). Như vậy, sau 1 năm có hiệu lực, về cơ bản CPTPP đã tác động tích cực, góp phần làm gia tăng số lượt khách từ các thị trường CPTPP đến Việt Nam.

CPTPP được đánh giá mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận các thị trường châu Mỹ như Canada, Mexico, Chile, Peru. Tuy nhiên, đây là các thị trường xa, muốn tiếp cận và khai thác hiệu quả khách quốc tế đến từ các thị trường này thì cần phải có đường bay thẳng kết nối trực tiếp đối với các quốc gia này.

g) Đánh giá của chuyên gia về tác động của CPTPP đối với ngành du lịch

Kết quả điều tra phỏng vấn sâu đối với 74 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và du lịch tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, đánh giá CPTPP có “Tác động cao” đối với các khía cạnh chính của du lịch. Trong đó, 3 khía cạnh của du lịch được đánh giá sẽ chịu tác động mạnh nhất gồm “Doanh nghiệp du lịch” (73% phiếu), “Đầu tư FDI cho ngành Du lịch” (72,6% phiếu) và “Chính sách phát triển du lịch” (71,6% phiếu). Có 66% phiếu chuyên gia đánh giá CPTPP tác động cao đối với “Thị trường khách du lịch”, trong đó, 3 thị trường được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới gồm Nhật Bản, Australia và Canada. “Vận tải hàng không và xuất nhập cảnh cho khách du lịch” cũng được đánh giá sẽ chịu tác động cao bởi CPTPP (67,6% phiếu). Trong khi đó, “Thuế quan và Hải quan” lại được nhận định sẽ ít chịu tác động bởi CPTPP hơn so với các khía cạnh khác (36,5% phiếu). Điều này là dễ hiểu do có nhiều quan điểm cho rằng CPTPP chỉ tác động đối với thuế quan, hải quan của những ngành hàng xuất khẩu xuyên biên giới, du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ du lịch nên sẽ ít chịu tác động hơn (Hình 4). Đánh giá cao tác động của CPTPP đối với ngành Du lịch, các chuyên gia đặt kỳ vọng lớn sự phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

4. Một số khuyến nghị chính sách

Để tiếp tục nắm bắt, tận dụng cơ hội của CPTPP cho phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới, bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách h như sau:

- Thứ nhất: Tăng cường công tác nghiên cứu CPTPP, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của ngành du lịch.

Ngành du lịch cần nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của Hiệp định về các vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển du lịch, doanh nghiệp du lịch, lao động và việc làm du lịch, phát triển thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch, xác định rõ những cơ hội, thách thức mà những quy định và cam kết của Hiệp địn mang lại; đồng thời, tiến hành rà soát Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch hiện hành để xác định các vấn đề “không tương thích” cũng như những vấn đề còn thiếu khuyết so với những quy định và cam kết của Hiệp định để đề xuất các phương án bổ khuyết kịp thời.

- Thứ hai: Đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật tạo thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh du lịch

Nghiên cứu, điều chỉnh một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đầu tư, kinh doanh du lịch của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhằm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế cởi mở, thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ để thu hút vốn đầu tư FDI từ các nước thành viên CPTPP, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh lữ hành quốc tế, công viên chủ đề, các lĩnh vực giải trí công nghệ cao, nghệ thuật biểu diễn,... đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế, tương thích với CPTPP, phù hợp với pháp luật và tình hình phát triển du lịch Việt Nam.

- Thứ ba: Thực hiện tuyên truyền, phổ biến CPTPP đối với địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.

Ngành du lịch cần sớm xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Hiệp định CPTPP đối với địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch, để địa phương và doanh nghiệp hiểu rõ nội dung, những cơ hội, thách thức mà Hiệp định mang lại, từ đó có phương án, kế hoạch thích hợp, thích ứng trước tác động của Hiệp định. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về Hiệp định, các cam kết và văn bản pháp lý có liên quan cũng như thông tin thị trường, cơ hội đầu tư trên website, cổng thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể tiếp cận và nắm bắt những cơ hội đầu tư, kinh doanh do Hiệp định mang lại.

- Thứ tư: Chính sách hàng không, “mở cửa bầu trời”, mở đường bay kết nối trực tiếp giữa Việt Nam với các nước CPTPP

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hàng không, “mở cửa bầu trời”, mở đường bay kết nối trực tiếp giữa Việt Nam với các nước CPTPP nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, khai thác thị trường khách tại các nước CPTPP, đặc biệt là các thị trường xa như Canada, Mexico, Chile, Peru, Úc và New Zealand.

 - Thứ năm: Chính sách thị thực, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, thuế quan, hải quan

Tiếp tục nghiên cứu thực hiện chính sách thị thực cởi mở, cấp visa điện tử cho khách du lịch từ các nước CPTPP nhập cảnh Việt Nam. Nghiên cứu miễn thị thực đơn phương, hoặc kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam đối với khách du lịch từ các nước CPTPP. Đồng thời, xem xét, có chính sách giảm phí thị thực đối với các đối tượng khách du lịch chưa được miễn thị thực đến từ các nước thành viên CPTPP nhập cảnh vào Việt Nam một cách hợp lý để góp phần thu hút khách từ các thị trường này.

Nghiên cứu, có chính sách tạo thuận lợi về các thủ tục xuất nhập cảnh, thuế quan, hải quan đối với khách du lịch các nước CPTPP và hàng hóa khách du lịch mua mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tăng cường trang thiết bị hiện đại ở các cửa khẩu hàng không quốc tế trong việc kiểm tra người và hành lý một cách nhanh chóng, thuận lợi. Cần có quầy ưu tiên cho việc xuất nhập cảnh và kiểm tra hành lý riêng cho khách du lịch đến từ các nước thành viên CPTPP.  Có chính sách miễn, giảm thuế (free tax) và mua hàng miễn thuế (duty free) đối với hàng hóa khách du lịch mua và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

- Thứ 6. Chính sách phát triển thị trường và xúc tiến quảng bá tại các nước thành viên CPTPP

Hỗ trợ kinh phí từ NSNN cho hoạt động nghiên cứu, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch tại các nước thành viên CPTPP; đồng thời, có cơ chế thích hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá, tăng cường hợp tác công - tư, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tham gia công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch từ thị trường các nước thành viên CPTPP.

Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư, ký kết các thỏa thuận, cam kết, bản ghi nhớ với các nước CPTPP lồng ghép các nội dung tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

- Thứ 7. Chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch

Tăng cường nguồn lực cho đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong nước. Huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch vào công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch; xây dựng chương trình đào tạo hoặc lồng ghép vào chương trình đào tạo du lịch những nội dung kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ của các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước có văn hóa, ngôn ngữ đặc thù như: Nhật Bản, Malaysia, Chile, Mexico, Peru, Brunei. Đồng thời, có chính sách đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch với các nước phát triển như Nhật Bản, Úc, Canada, Singapore. Nghiên cứu, xét xét đàm phán, ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch và xây dựng Bộ tiêu chuẩn chung về kỹ năng nghề du lịch trong khối CPTPP.

- Thứ 8. Cơ chế kiểm soát hoạt động đầu tư và kinh doanh du lịch

Phối hợp liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các nước CPTPP; kịp thời phát hiện và có phương án xử lý phù hợp, mềm dẻo, linh hoạt, vừa đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Bên, vừa đảm bảo giải quyết tốt những vướng mắc, bất cập đang tồn tại.

- Thứ 9: Chính sách hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương, để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Mở cửa, hội nhập luôn tạo ra những thách thức lớn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cạnh tranh, kiện tụng quốc tế, gian lận thương mại, môi trường, du nhập văn hóa, an ninh an toàn và trật tự xã hội,... Các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động của xu thể mở cửa, hội nhập là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, cộng đồng địa phương, phụ nữ và trẻ em. Vì thế, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần có chính sách, cơ chế đặc biệt hỗ trợ các nhóm đối tượng này để đảm bảo phát triển mà “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đối với lĩnh vực du lịch, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tư vấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nghề du lịch cho lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, người dân tham gia làm du lịch; đồng thời, định hướng thị trường, sản phẩm, phương thức kinh doanh và có chính sách hỗ trợ, ưu đãi vay vốn, ưu đãi về thuế, giá, bảo hiểm cho các nhóm đối tượng này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].       Nguyễn Anh (2018), “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: hướng tới hình mẫu thương mại tiến bộ và bao trùm”, Tạp chí Cộng sản, số 907, tr.94-98.

[2].       Bộ Công Thương (2016), Giới thiệu thị trường 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sách đơn, Nxb Công Thương, Hà Nội.

[3].       Nguyễn Ngọc Hà (2019), “Một số thách thức khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam từ việc chuyển hóa điều ước vào pháp luật trong nước”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 03(124), tr. 16-28.

[4].       Bùi Thành Nam (2016), Các Hiệp định thương mại tự do ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Thực thi và triển vọng, sách đơn, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

[5].       Hà Văn Sự (2019), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và khả năng chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, sách đơn, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

[6].       Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/11/2018 Phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

[7].       Quyết định số 121/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/01/2019 Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

[8].       Quyết định số 701/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 28/02/2019 về việc Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 TS. Lê Quang Đăng

(0987860183 - dangquangleorv@gmail.com) 

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang