Du lịch trải nghiệm thiên nhiên và khám phá thế giới động vật hoang dã ngày càng phát triển và trở thành xu hướng du lịch phổ biến trên thế giới. Loại hình du lịch này đã và đang có những đóng góp to lớn đối phát triển du lịch ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có 34 Vườn quốc gia (VQG) và 172 Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), trong đó, có 61 VQG, KBTTN đang khai thác các hoạt động du lịch. Số lượng khách tham quan đến các VQG, KBTTN ở Việt Nam năm 2019 đạt 2,5 triệu lượt khách, đem lại doanh thu hơn 185 tỷ đồng.

Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động vật hoang dã là các hoạt động du lịch có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thế giới tự nhiên và động vật hoang dã, vừa đảm bảo phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của các loài động vật hoang dã cũng như nỗ lực của các bên tham gia trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.

 
Du lịch gắn với Voi tại Buôn Đôn - Đắk Lắk


1. Tình hình phát triển du lịch gắn với bảo vệ động vật hoang dã ở tây Nguyên

Tây Nguyên - Việt Nam là vùng có tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú, sở hữu nhiều VQG, KBTTN như Bidoup Núi Bà, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Tà Đùng, Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray, Ngọc Linh;... Các loài động vật hoang dã ở Tây Nguyên khá đa dạng và phong phú, trong đó, có nhiều loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ, nhiều loài đặc hữu chỉ có ở Tây Nguyên như Khướu Ngọc Linh, Hoạ My Langbiang, Mang Trường Sơn, Voi Tây Nguyên (voi châu Á). Đây là lợi thế nổi trội để Tây Nguyên phát triển các loại hình du lịch sinh thái; du lịch nghiên cứu rừng nguyên sinh; du lịch gắn với trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu động vật hoang dã. Thực tế phát triển du lịch gắn với động vật hoang dã ở Tây Nguyên thời gian qua cũng đã đạt được những thành công nhất định, góp phần tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch của Tây Nguyên.

Voi được coi là “biểu tượng thiên nhiên” của du lịch Tây Nguyên, tạo điểm nhấn, sức hút khách du lịch đến với Tây Nguyên. Hiện tại, số lượng voi tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk, có khoảng 5 quần thể voi hoang dã, quần thể nhỏ nhất gồm 5 -10 cá thể, quần thể lớn nhất có 32 - 36 cá thể, phân bố chủ yếu ở VQG Yok Đôn. Số voi thuần chủng (voi nhà) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 45 con, thuộc sở hữu của các cá nhân, hộ gia đình, một số được khai thác cho các hoạt động du lịch tại các buôn làng du lịch cộng đồng (như Buôn Đôn, Buôn Jun). Các hoạt động du lịch gắn với voi ở Tây Nguyên như: cưỡi voi, chụp ảnh với voi, cho voi ăn, tắm cho voi, xem lễ hội đua voi, quan sát các đàn voi hoang dã từ xa,...

Ngoài voi, các hoạt động du lịch gắn với động vật hoang dã ở Tây Nguyên chủ yếu được phát triển tại các VQG, KBTTN. Hiện tại, một số VQG, KBTTN ở Tây Nguyên đang khai thác, phát triển du lịch khá tốt, đặc biệt tại VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) và VQG Yok Don (Đắk Lắk).

- Về khách du lịch và doanh thu du lịch:

Giai đoạn 2016 - 2019, VQG Bidoup Núi Bà bình quân mỗi năm đón hơn 9.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế bình quân đạt hơn 2.000 lượt/năm. Cao nhất là năm 2018, Vườn đón 10.092 lượt khách, trong đó có 3.208 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch bình quân đạt khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Giai đoạn 2016 - 2019, VQG Yok Don bình quân mỗi năm đón hơn 6.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế bình quân đạt hơn 2.500 lượt/năm. Cao nhất là năm 2016, Vườn đón 7.197 lượt khách, trong đó có 3.795 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch bình quân đạt khoảng 1,3 tỷ đồng mỗi năm.

Các VQG, KBTTN khác ở Tây Nguyên hoạt động du lịch chưa phát triển, lượng khách tham quan không nhiều chủ yếu là các nhà nghiên cứu, các tổ chức học sinh sinh viên; chưa có cơ sở dịch vụ, bán vé và kinh doanh nên chưa có nguồn thu từ khách du lịch.

- Về sản phẩm và dịch vụ du lịch:

Các sản phẩm du lịch, tour, tuyến, điểm tham quan du lịch gắn với động vật hoang dã tại các VQG, KBTTN ở Tây Nguyên hầu hết đều khá thân thiện, không gây ảnh hưởng tiêu cực đối với các loài động vật hoang dã. Các hoạt động du lịch chính đang được khai thác là: (1) Trải nghiệm đi rừng cùng cán bộ kiểm lẩm, cán bộ Ban quản lý các VQG, KBTTN, kết hợp với tìm hiểu hệ sinh thái rừng, quan sát động vật hoang dã; (2) Thăm quan các điểm đa dạng sinh học, thắng cảnh thiên nhiên núi rừng, kết hợp với quan sát động vật hoang dã; (3) Dã ngoại, cắm trại, ăn, ngủ trong rừng, trải nghiệm cuộc sống hòa nhập với thiên nhiên, quan sát thế giới động vật hoang dã về đêm; (4) Du lịch gắn với giáo dục môi trường, nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về động vật hoang dã; và các dịch vụ kết hợp khác...

Nhìn chung, hầu hết các VQG, KBTTN tại Tây Nguyên đều thực hiện rất tốt công tác bảo tồn động vật hoang dã. Một số VQG đã kết hợp giữa công tác bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái nói chung và du lịch gắn với động vật hoang dã nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, phát triển du lịch gắn với bảo vệ động vật hoang dã tại một số VQG, KBTTN ở Tây Nguyên còn tồn tại những khó khăn, hạn chế:

- Các hoạt động du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã mặc dù đã được khai thác, phát triển tại một số VQG, KBTTN nhưng còn rất hạn chế. Chỉ có VQG Bidoup Núi Bà và VQG Yok Don có lượng khách đến tham quan nhiều, nhưng đóng góp của du lịch tại các Vườn này với du lịch của tỉnh còn khá khiêm tốn. Khách đến Bidoup Núi Bà chỉ chiếm 0,1% so với khách đến Lâm Đồng; doanh thu chỉ chiếm 0,01%. Khách đến Yok Don chỉ chiếm 0,5% so với khách đến Đắk Lắk; doanh thu chỉ chiếm 0,1%.

- Du lịch tại các VQG, KBTTN nói chung và du lịch gắn với động vật hoang dã nói riêng ở Tây Nguyên chưa phát huy hết thế mạnh và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nhiều VQG, KBTTN thậm chí chưa cho phép khai thác, phát triển các hoạt động du lịch; chưa bán vé, chưa có cơ sở kinh doanh dịch vụ.

- Voi là biểu tượng thiên nhiên du lịch của Tây Nguyên, số lượng voi thuần phục (voi nhà) hiện được khai thác, phục vụ tại các buôn làng cộng đồng, một số thuộc sở hữu của các hộ dân, nằm ngoài phạm vi quản lý của các VQG, KBTTN. Mặc dù cộng đồng và chính quyền địa phương nỗ lực trong công tác bảo vệ nhưng để phục vụ du lịch, vì lợi nhuận kinh doanh du lịch từ voi mang lại, khó tránh khỏi những tác động tiêu cực, gây tổn thương đến các cá thể voi nhà. Hơn thế, việc chăm sóc, bảo vệ voi già, ốm, bệnh tại các hộ dân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với việc được bảo tồn, chăm sóc tại không gian VQG, KBTTN.

- Nạn săn bắt động vật hoang dã ở Tây Nguyên mặc dù đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc nuôi nhốt vì mục đích kinh tế và du lịch chưa có dấu hiệu thuyên giảm, tình trạng mua bán, trao đổi động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ động vật hoang dã vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trong Vùng. Đơn cử như tỉnh Đắk Lắk hiện nay có khoảng 640 cơ sở, hộ gia đình có nuôi động vật hoang dã; trong đó, có 42 cơ sở nuôi động vật quý hiếm, với hơn 2.000 cá thể thuộc 14 loài.

- Hoạt động kinh doanh ăn uống các món ăn từ động vật hoang dã tuy không công khai, nhưng vẫn diễn ra trên địa bàn các tỉnh ở Tây Nguyên phục vụ thực khách là người dân bản địa và thậm chí là khách du lịch. Một số loài dễ bị săn bắt, giết thịt như heo rừng, chim rừng, cheo, dúi, chồn, ba ba, nhím, nai,..

Nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, năm 2021

2. Giải pháp phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động vật hoang dã ở Tây Nguyên

Để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã ở Tây Nguyên, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng người dân, doanh nghiệp và khách du lịch đối với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã từ các hoạt động du lịch.

- Thống nhất về chủ trương, có chính sách và cơ chế tạo thuận lợi cho phát triển du lịch tại các VQG, KBTTN của 5 tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên. Tùy đặc điểm và điều kiện của từng Vườn có thể cho phép khai thác, phát triển một số dịch vụ du lịch phù hợp.

- Nghiên cứu, ban hành các chính sách, cơ chế tạo thuận lợi cho khai thác, phát triển du lịch tại các VQG, KBTTN theo hình thức xã hội hoá như cho thuê môi trường rừng hay phối hợp công tư (PPP).

- Có chính sách, cơ chế thích hợp để khuyến khích, tạo thuận lợi và hỗ trợ cộng đồng địa phương sinh sống trong vùng đệm các VQG, KBTTN tham gia làm du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của cộng đồng; giảm sự lệ thuộc vào rừng, giảm thiểu các hoạt động đi rừng, săn bắn, bắt, bẫy động vật hoang dã; đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.

- Tăng cường phối hợp liên ngành, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở bán hàng lưu niệm cho khách du lịch. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ động vật hoang dã.

- Nghiên cứu, xây dựng “du lịch gắn với bảo vệ động vật hoang dã” là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Tây Nguyên. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái là chủ đạo tại các VQG, KBTTN ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nghiên cứu, phát triển một số tuyến, điểm tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, xem, ngắm động vật hoang dã,...

- Đối với du lịch gắn với trải nghiệm cùng voi: Đề xuất bỏ loại hình trải nghiệm cưỡi voi, thay vào đó là một số hoạt động thân thiện hơn như tắm cho voi, trải nghiệm cho voi ăn, chụp ảnh cùng voi, quan sát voi từ xa,... Đề xuất xây dựng 01 “Khu bảo tồn thiên nhiên bán hoang dã” tại Tây Nguyên, thực hiện chức năng cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã, thu mua lại các loài động vật hoang dã đang được nuôi, nhốt tại các hộ gia đình, cộng đồng bản địa (như voi thuần chủng); nghiên cứu về động vật hoang dã; kết hợp với phát triển du lịch thăm, xem, tìm hiểu về động vật hoang dã. Địa điểm được đề xuất xây dựng “Khu bảo tồn thiên nhiên bán hoang dã” tại VQG Yok Don.

Du lịch gắn với Voi tại Buôn Đôn - Đắk Lắk

- Nghiên cứu, khai thác các thị trường khách có nhu cầu, thị hiếu đối với du lịch sinh thái và du lịch gắn với động vật hoang dã tại các VQG, KBTTN. Chú trọng phân khúc thị trường gắn với các nhóm nghề nghiệp liên quan đến nông lâm nghiệp, sinh học, địa lý, môi trường với loại hình du lịch kết hợp với nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo liên quan đến động vật hoang dã. Tạo điều kiện cho nhóm đối tượng khách là học sinh sinh viên với loại hình du lịch gắn với giáo dục môi trường và bảo vệ động vật hoang dã.

- Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN hiện đại với công tác bảo tồn động vật hoang dã nói chung và phát triển du lịch gắn với bảo vệ động vật hoang dã. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), công nghệ 3D, 3600, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT),... phát triển một số sản phẩm công nghệ và hỗ trợ trải nghiệm cho khác du lịch khi đến thăm quan tại các VQG, KBTTN./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].  Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch (2013), Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

 [2]. Phạm Trương Hoàng (2016), “Du lịch có trách nhiệm: từ nhận thức tới hành động”, Tạp chí Du lịch, số tháng 11/2016.

[3]. Camilleri, M. A. (2016), “Responsible tourism that creates shared value among stakeholders”, Tourism Planning & Development, 13(2), 219-235. 

[4]. The Cape Town Conference (2002), Cape Town Declaration on Responsible Tourism,  Cape Town - Republic of South Africa, August-2002.

TS. Lê Quang Đăng

(0987860183 - dangquangleorv@gmail.com) 

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

(Bài đăng trên Tạp chí Du lịch số tháng 11/2021)

1 nhận xét:

  1. Las Vegas' Wynn Casino - JTM Hub
    Casino. Wynn is a https://vannienailor4166blog.blogspot.com/ $4 billion resort with four hotel towers with www.jtmhub.com 5,750 rooms casino-roll.com and suites. Each of the 토토 hotel towers https://octcasino.com/ includes a 20,000 square foot casino and a

    Trả lờiXóa

Tổng số lượt xem trang