Tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) trong du lịch đang phát triển nhanh chóng, mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Tuy nhiên, mô hình KTCS trong du lịch ở nước ta cũng tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần có những định hướng vĩ mô và giải pháp tích cực để thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh này trong thời gian tới.

Tác giả trao đổi với đại diện chuỗi khách sạn A&EM - TP. Hồ Chí Minh về hoạt động kinh doanh lưu trú trên các nền tảng chia sẻ

Mô hình KTCS trong du lịch tại Việt Nam hiện nay

Mô hình KTCS trong du lịch được hiểu là mô hình vận hành các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và liên quan thông qua các nền tảng công nghệ trên môi trường internet nhằm chia sẻ quyền sở hữu và sử dụng tài sản, sản phẩm, dịch vụ du lịch giữa nhà cung cấp và người có nhu cầu du lịch, có thể qua hoặc không qua bên trung gian, có thể mất phí hoặc miễn phí giao dịch trên các nền tảng chia sẻ.

Mô hình KTCS trong du lịch diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú (chia sẻ buồng/phòng, chia sẻ kỳ nghỉ), lữ hành (chia sẻ tour, tuyến, chương trình du lịch), vận chuyển khách du lịch (chia sẻ hành trình, phương tiện vận chuyển, đi chung) và một số lĩnh vực liên quan như ăn uống, giải trí, mua sắm phục vụ khách du lịch. Trong mô hình này, tài sản, sản phẩm, dịch vụ du lịch có thể được mua bán đứt (bán quyền sở hữu) hoặc cho thuê (bán quyền sử dụng), có thể thông qua các nền tảng chia sẻ của các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) như: Airbnb, Booking, Agoda, Traveloka, Tripadvisor, Expedia, Luxstay, iVIVU, Vntrip, Mytour, Chudu24,... hoặc mua bán trực tiếp thông qua hệ thống website kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, hoặc giao dịch thông qua một số nền tảng xã hội miễn phí (facebook, zalo...).

Kinh doanh lưu trú theo mô hình KTCS: Tiềm năng kinh doanh lưu trú theo mô hình KTCS tại Việt Nam hiện nay còn rất lớn. Theo số liệu nghiên cứu của Luxstay, quy mô doanh thu thị trường chia sẻ nhà tại Việt Nam hiện nay khoảng 174 triệu USD, chiếm chưa tới 2% chi tiêu thị trường lưu trú du lịch khoảng gần 8 tỷ USD. Trong khi đó tại thị trường các nước phát triển, con số này khoảng 10 - 20% chi tiêu của thị trường lưu trú. Tính đến năm 2019, Việt Nam đã có 18.230 chủ nhà cho thuê các cơ sở lưu trú trên nền tảng chia sẻ, 69% trong số đó đang cho thuê nhiều hơn 1 cơ sở. Theo số liệu điều tra của tác giả đối với 50 doanh nghiệp kinh doanh lưu trú tại Việt Nam, có 40% doanh nghiệp đã tham gia kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ với thời gian hơn 5 năm (khoảng từ năm 2015 đến nay), 42% doanh nghiệp kinh doanh từ 3 - 5 năm và 18% doanh nghiệp mới bắt đầu tiếp cận mô hình này trong khoảng 1 - 2 năm; 100% doanh nghiệp được hỏi đều mong muốn tiếp tục kinh doanh chia sẻ buồng lưu trú trên các nền tảng chia sẻ trong thời gian tới…

Tác giả và nhóm nghiên cứu họp trao đổi với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh về quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch theo mô hình kinh tế chia sẻ

Trong số các nền tảng chia sẻ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, những nền tảng có nguồn gốc nước ngoài chiếm ưu thế, được nhiều doanh nghiệp du lịch lựa chọn, đăng ký cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Tỷ lệ lựa chọn lần lượt là: Booking (18,14%), Agoda (15,04%), Traveloka (13,27%), TripAdvisor (12,39%). Các nền tảng chia sẻ thương hiệu Việt yếu thế hơn trong cạnh tranh với các nền tảng chia sẻ có nguồn gốc nước ngoài. Tuy nhiên, có một số nền tảng thương hiệu Việt đang vươn lên mạnh mẽ như: Mytour (12,39%), Chudu24h (9,29%), iVIVU (8,85%), VnTrip (6,19%). Kết quả điều tra của tác giả đối với 200 khách du lịch cũng cho thấy, tỷ lệ khách lựa chọn các giao dịch trực tuyến trên nền tảng có nguồn gốc nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao, như Traveloka chiếm 38,83%, Booking chiếm 25,53%, Agoda chiếm 11,70%, TripAdvisor chiếm 6,38%; các nền tảng trong nước chiếm tỉ lệ rất thấp, như iVIVU chiếm 5,85%, Mytour chiếm 3,72%, VnTrip.vn và Luxstay cùng chiếm tỷ lệ 2,66%, còn lại là các nền tảng khác.

Kinh doanh lữ hành theo mô hình KTCS: Mô hình KTCS đã tác động đáng kể đến hành vi tiêu dùng của khách du lịch, dẫn đến xu hướng du lịch dần dịch chuyển từ hình thức du lịch truyền thống, đặt tour trực tiếp thông qua các công ty, đại lý lữ hành sang đặt tour trực tuyến thông qua các nền tảng chia sẻ. Các doanh nghiệp, đại lý lữ hành tham gia kinh doanh theo mô hình KTCS theo hai hình thức chính:

 Đăng ký bán tour, chương trình du lịch trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến có tính phí của bên thứ ba. Hiện nay, Việt Nam có một số nền tảng chia sẻ cho phép các công ty, đại lý lữ hành đăng ký bán tour, chương trình du lịch như: TripAdvisor, Traveloka, Mytour, Vntrip, iVIVU...

 Tự xây dựng nền tảng công nghệ hoặc sử dụng các nền tảng chia sẻ miễn phí để kinh doanh, chia sẻ các tour, chương trình du lịch. Một số nền tảng website chia sẻ, bán tour của các công ty lữ hành tiêu biểu tại Việt Nam hiện nay như: Travel.com.vn, Saigontourist.net, Dulichviet.com.vn, Fiditour.com, Benthanhtourist.com...

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh lữ hành theo mô hình KTCS chưa thực sự phát triển mạnh, mới chỉ có các doanh nghiệp lớn tham gia mô hình này. Tỷ trọng bán hàng và doanh thu trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến chưa nhiều, còn thiếu nền tảng OTA chuyên cho kinh doanh lữ hành.

Kinh doanh vận chuyển khách du lịch theo mô hình KTCS: Mô hình KTCS trong lĩnh vực vận tải hành khách nói chung, vận chuyển khách du lịch nói riêng là một trong những mô hình phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất ở Việt Nam hiện nay. Hầu hết các nền tảng chia sẻ trong du lịch đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay như Booking, Agoda, Traveloka, Mytour, iVIVU, Vntrip,... đều tích hợp chức năng kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách, đặc biệt là vận chuyển hàng không (đặt vé máy bay), đặt xe đưa đón sân bay và thuê xe du lịch.

 Hiện tại, nhu cầu di chuyển của khách du lịch đến các khu, điểm du lịch tại các thành phố, trung tâm du lịch thông qua các dịch vụ xe công nghệ là rất lớn. Một số nền tảng gọi xe công nghệ đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay gồm: Grab, Be, GO-Viet, MyGo, FastGo, Dichung, Go-jek, VATO... Ngoài ra, khách du lịch mốn sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy cũng có thể truy cập các nền tảng website của các doanh nghiệp vận tải truyền thống để tìm hiểu thông tin, đặt vé trực tuyến.

Kinh doanh dịch vụ du lịch khác theo mô hình KTCS: Luật Du lịch năm 2017 xác định các loại dịch vụ du lịch khác bao gồm: (1) Dịch vụ ăn uống, (2) Dịch vụ mua sắm, (3) Dịch vụ thể thao, (4) Dịch vụ vui chơi, giải trí, (5) Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, (6) Dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh các dịch vụ nêu trên theo mô hình KTCS chưa thực sự rõ ràng, chỉ có dịch vụ ăn uống, mua sắm là có những biểu hiện rõ nét hơn cả.

 Kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình KTCS: Hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình KTCS mới phát triển tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Khách du lịch thường truy cập các nền tảng để tham khảo địa điểm ăn uống, nhà hàng, quán ăn, tham khảo món ăn, giá cả, đặt trước bàn ăn, phòng ăn, đồ ăn; ngoài ra, cũng có xu hướng đặt đồ ăn mang về trên các nền tảng chia sẻ.

Kinh doanh dịch vụ mua sắm phục vụ khách du lịch theo mô hình KTCS: Tại các điểm du lịch, khách du lịch cũng thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến như mua đồ ăn, thức uống; mua sản vật địa phương; mua hàng lưu niệm... Một số nền tảng chia sẻ, sàn giao dịch điện tử, ứng dụng mua sắm trực tuyến phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và khách du lịch đang phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay như: Alibaba, Amazon, eBay, Lazada, Tiki, Shopee, Sen Đỏ... Các hệ thống mạng xã hội cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy dịch vụ mua sắm trực tuyến, đáp ứng nhu cầu bán lẻ của lượng lớn người dùng là cá nhân, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Những vấn đề đặt ra

Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng mô hình KTCS trong du lịch đã đóng vai trò quan trọng, bước đầu mang lại những lợi ích đối với ngành Du lịch như: kết nối cung - cầu, tăng khả năng tiếp cận giữa doanh nghiệp với khách du lịch; tăng sức cạnh tranh, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; góp phần hình thành chuỗi cung ứng du lịch và gia tăng chuỗi giá trị du lịch; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong lĩnh vực du lịch; gia tăng hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực dư thừa, tài nguyên nhàn rỗi trong lĩnh vực du lịch... qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành Du lịch. Tuy nhiên, mô hình KTCS trong du lịch tại Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, còn nhiều vấn đề đặt ra.

 Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch: số lượng doanh nghiệp du lịch tham gia kinh doanh theo mô hình KTCS chưa nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh lưu trú; doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khác tham gia mô hình này còn rất hạn chế; đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, cộng đồng tham gia làm du lịch chưa tiếp cận được mô hình KTCS trong du lịch.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng chia sẻ: các nền tảng chia sẻ “thương hiệu Việt” chưa nhiều, khả năng tiếp cận thị trường còn yếu kém, thị phần trong nước còn rất thấp; công nghệ, tiện ích, các chính sách khuyến mãi, hậu mãi chưa hấp dẫn, chưa đủ sức cạnh tranh với các nền tảng nguồn gốc nước ngoài.

Đối với người tiêu dùng du lịch: rủi ro rò rỉ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng khi thực hiện giao dịch trên các nền tảng trực tuyến; rủi ro về chất lượng sản phẩm, dịch vụ trên thực tế không giống với thông tin, hình ảnh đã chia sẻ trên các nền tảng; vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi khách du lịch sử dụng dịch vụ trên các nền tảng chia sẻ...

Đối với hệ thống pháp luật và quy định quản lý: một số vấn đề của mô hình KTCS chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, như quy định về đăng ký kinh doanh đối với các đại lý du lịch trực tuyến kinh doanh nền tảng chia sẻ (đặc biệt các nền tảng có nguồn gốc nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam); điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ; quy định thống nhất về tỷ lệ hoa hồng của tất cả các nền tảng chia sẻ; quy định về hợp đồng kinh doanh ba bên (bên cung cấp dịch vụ du lịch - bên cung cấp nền tảng chia sẻ - bên cầu), hợp đồng lao động hai bên (doanh nghiệp - người lao động); vấn đề kiểm soát giao dịch, đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới; vấn đề quản lý thuế, chống thất thu thuế; vấn đề quản lý thông tin, bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cho người tiêu dùng du lịch...

Những bất cập khác: kinh doanh trá hình, biến tướng của một số cơ sở không đảm bảo điều kiện kinh doanh phục vụ khách du lịch theo quy định của pháp luật nhưng vẫn tham gia mô hình KTCS; sự thâu tóm, lũng đoạn thị trường của một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có nguồn gốc nước ngoài; cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và doanh nghiệp truyền thống, giữa doanh nghiệp kinh doanh nền tảng ngoại và doanh nghiệp kinh doanh nền tảng nội...

Định hướng, giải pháp thúc đẩy mô hình KTCS trong du lịch tại Việt Nam

Đ thúc đẩy mô hình KTCS trong du lịch trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các định hướng, giải pháp sau:

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách hiện hành; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành như: Luật Du lịch, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử... phù hợp với thực tế phát triển của mô hình KTCS.

Nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định quản lý cụ thể đối với hoạt động kinh doanh du lịch theo mô hình KTCS. Trong đó, có những quy định cụ thể về một số vấn đề: đối tượng tham gia kinh doanh theo mô hình KTCS; điều kiện đăng ký kinh doanh; tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đăng ký kinh doanh; quy định về nghĩa vụ thuế, khai báo thông tin và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng tăng cường năng lực công nghệ thông tin, hiểu biết về các nền tảng kỹ thuật số, nền tảng chia sẻ, kỹ năng sử dụng và khai thác thông tin trên môi trường internet để đáp ứng yêu cầu quản lý mô hình KTCS trong du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch theo mô hình KTCS; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch kinh doanh theo mô hình KTCS đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với từng lĩnh vực du lịch theo quy định. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống chuyển đổi sang kinh doanh theo mô hình KTCS.

Thống nhất chính sách về giá, phí giữa bên cung cấp dịch vụ và bên kinh doanh nền tảng; thống nhất tỷ lệ phần trăm hoa hồng và cách tính phần trăm hoa hồng của tất cả các nền tảng chia sẻ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Khuyến khích các doanh nghiệp nội đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại phát triển các nền tảng chia sẻ “thương hiệu Việt”; tối ưu hóa công cụ, chức năng, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chia sẻ sản phẩm, dịch vụ du lịch và khai thác thông tin, thực hiện giao dịch của người dùng; từng bước mở rộng thị trường, chiếm lĩnh thị phần, tăng sức cạnh tranh với các nền tảng chia sẻ nước ngoài.

Nâng cao “đạo đức kinh doanh”, tạo dựng uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và tạo dựng lòng tin cho khách hàng; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về kinh doanh trực tuyến; có chính sách ưu đãi và hậu mãi cho khách hàng, có trách nhiệm trước quyền lợi của người tiêu dùng du lịch thông qua các nền tảng chia sẻ./. 

(Bài viết đã được đăng trên Tạp Chí Du Lịch, số tháng 9/2022)

TS. Lê Quang Đăng

(dangquangleorv@gmail.com)

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch  



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tổng số lượt xem trang